Xuất nhập khẩu An Giang (AGM): Quý IV báo lỗ kỷ lục sau 14 năm cổ phần hoá

31/01/2023 15:55 GMT+7
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2022 với lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp AGM ghi nhận lỗ và là mức lỗ kỷ lục nhất từ sau 14 năm cổ phần hoá tới nay.

Xuất nhập khẩu An Giang: Kết quả kinh doanh quý IV/2022 tiếp tục lao dốc

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 362 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hàng loạt chi phí lại tăng vọt: Chi phí tài chính tăng tới 258% (từ 14,1 tỷ lên hơn 50 tỷ đồng); Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 206% (lên hơn 49 tỷ đồng).

Kết quả, AGM báo lỗ tới 104 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước lãi 26 tỷ đồng. Doanh nghiệp giải trình nguyên nhân, do doanh thu hợp nhất giảm nhưng các chi phí lại tăng vọt đã làm cho lợi nhuận sau thuế lỗ nặng tới như vậy. Được biết, đây là quý thứ 3 liên tiếp trong năm mà Công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm và đây cũng là mức lỗ kỷ lục từ khi Công ty cổ phần hóa tới nay.

Xuất nhập khẩu An Giang (AGM): quý IV báo lỗ kỷ lục sau 14 năm cổ phần hoá. - Ảnh 1.

Báo cáo kết quả kinh doanh 2022 của AGM

Angimex "lỗi hẹn" kế hoạch lãi năm 2022

Lũy kế cả năm, Xuất nhập khẩu An Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.454 tỷ đồng (giảm 12% so với kết quả đạt được năm 2021). Lũy kế sau thuế lỗ tới 139 tỷ đồng so với năm 2021 báo lãi hơn 44 tỷ. Lỗ trước thuế năm 2022 là 138 tỷ đồng. 

Trong ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức hồi đầu năm 2022, AGM lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến là 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến là 70 tỷ đồng. Như vậy, AGM mới chỉ thực hiện được hơn 43% kế hoạch doanh thu nhưng gây lỗ đến 140 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 06/2022, Angimex cũng từng triệu tập ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2022. Đồng thời bầu thay thế thành viên HĐQT và BKS sau khi một số cá nhân từ nhiệm, trong đó có ông Đỗ Thành Nhân. HĐQT muốn điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế còn 3.939 tỷ đồng và 25 tỷ đồng, lần lượt giảm 51% và 64% so với phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua trước đó. So với kế hoạch đã điều chỉnh giảm, AGM cũng không thể hoàn thành kế hoạch này.

Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngắn hạn của Angimex là 370 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 595 tỷ đồng, cân đối thiếu 225 tỷ đồng. Angimex cho biết việc mất cân đối vốn trên do Công ty nhận chuyển nhượng mua đất, kho ở Đồng Tháp và Tri Tôn (196,6 tỷ đồng); mua 19% vốn tại Công ty TNHH Angimex Furious (32,3 tỷ đồng).

Tại ĐHCĐ bất thường năm 2022 mới đây, Angimex đã hủy phương án chào bán cổ phiếu. Thay vào đó, HĐQT thông qua phương án xử lý mất cân đối vốn bằng cách thanh lý các tài sản của Angimex. Theo đó, công ty dự kiến sẽ thanh lý các tài sản để bổ sung vốn lưu động ở 9 phân xưởng, nhà máy, kho (tổng diện tích 40.542,6 m2, giá sổ sách 127,2 tỷ đồng và giá bán dự kiến 240 tỷ đồng).

Tại Đại hội, Angimex thông qua việc dừng thực hiện đối với các phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, năm 2021 và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Đáng chú ý, Công ty cũng thông qua việc dừng phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Angimex cho biết việc trả cổ tức năm 2022 và trả cổ tức năm 2021 sẽ trình ĐHCĐ xem xét vào cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023.

Tại phiên giao dịch sáng ngày 31/01, giá cổ phiếu AGM tăng 0,72% lên mức 7.030 đồng/ cổ phiếu.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục