Xung đột Mỹ - Trung sắp lan sang một mặt trận không ai ngờ tới

10/07/2020 17:10 GMT+7
Đất hiếm - khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao, thiết bị quốc phòng và xe điện - được dự báo sẽ trở thành mặt trận tiếp theo trong xung đột Mỹ Trung.
Xung đột Mỹ - Trung sắp lan sang một mặt trận không ai ngờ tới - Ảnh 1.

Năm ngoái, tờ Tân Hoa xã từng cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ như một động thái trả đũa thuế quan của Trump

Khi quan hệ Mỹ Trung tiếp tục đi xuống, Washington đang tăng cường gấp đôi những nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Bắc Kinh. Đất hiếm hiện là nguyên liệu thiết yếu sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao từ smartphone, pin xe điện cho đến vũ khí quân sự tối tân như tên lửa Javelin và máy bay chiến đấu F-35.

Ted Cruz, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Texas mới đây đã thúc đẩy một dự luật tăng cường sản xuất khoáng chất quan trọng tại Mỹ. Dự luật được đưa ra thảo luận trước Quốc hội trong bối cảnh lo ngại căng thẳng Mỹ Trung leo thang có thể khiến Bắc Kinh dùng đến quân bài đất hiếm.

Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, từng chiếm khoảng 90% sản lượng xuất khẩu đất hiếm toàn cầu. Hồi năm ngoái, khi Tổng thống Trump áp thuế trừng phạt lên tới 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh từng đe dọa ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ như một động thái trả đũa. Tờ Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCS Trung Quốc khi đó lên tiếng: “Chúng tôi khuyên Mỹ không nên đánh giá thấp Trung Quốc. Đừng nói rằng chúng tôi không cảnh báo trước. Đừng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không đáp trả”.

Thời điểm đó, các nhà quan sát chỉ ra rằng tuy Trung Quốc xuất khẩu 80-90% lượng đất hiếm trên toàn thế giới, khối lượng nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm khoảng 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu. Năm 2018, Mỹ chi vỏn vẹn 160 triệu USD cho nhập khẩu đất hiếm. Do đó thực tế, quân bài này ít gây tác động đáng kể đến Mỹ. Từ đó đến nay, Bắc Kinh chưa một lần nhắc lại mối đe dọa về nguồn cung đất hiếm.

Thực tế, từ năm ngoái, Lầu Năm Góc đã nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Cụ thể, một chiến lược dài hơn 50 trang của Bộ Thương mại Mỹ hồi năm ngoái đã phác thảo 61 khuyến nghị chung nhằm kích thích nghiên cứu và phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác thương mại với các đồng minh xuất khẩu đất hiếm, đánh giá lại nguồn cung khoáng sản trong nước và hợp lý hóa giấy phép khai thác cho các tổ chức, cá nhân; qua đó tăng nguồn cung đất hiếm trong nước. Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 59% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu năm 2018 đến từ Trung Quốc, theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Mỹ.

“Những khoáng sản đất hiếm này không chiếm giá trị cao trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, nhưng lại đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong ngành công nghệ cao và sản xuất vũ khí quân sự.” Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết hôm 5.6. “Do đó, chính phủ Mỹ sẽ có một hành động chưa từng có để đảm bảo nguồn cung đất hiếm của Mỹ được đảm bảo đầy đủ và liên tục.”

Hơn hết, giới chuyên gia cảnh báo câu chuyện đất hiếm chỉ là một trong những minh chứng rằng nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc vào Trung Quốc ra sao. Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng là minh chứng tương tự, cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của Mỹ vào nguồn cung đồ bảo hộ, thiết bị y tế từ Trung Quốc. 

Paul Haenle, cựu giám đốc các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay: “Vấn đề đất hiếm chỉ là một khía cạnh nhỏ trong mối quan ngại rộng lớn hơn. Nó đại diện cho mối quan tâm an ninh quốc gia (trong bối cảnh Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc”. 

Đã có nhiều quan chức Washington lên tiếng đồng thuận về tầm quan trọng của việc giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng tình hình kinh tế bết bát sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 và cả biểu tình bạo loạn sau cái chết của người da màu George Floyd đang gây ra những trở ngại lớn cho quá trình tách rời đó.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục