Yêu cầu báo cáo dư nợ margin, cổ phiếu "họ FLC" của ông Trịnh Văn Quyết lao dốc
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu báo cáo dư nợ margin cổ phiếu "họ FLC"
Văn bản của UBCKNN cho biết, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Thông tư 121/2020/TT-BTC, UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đối với một số mã chứng khoán, để thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, UBCKNN yêu cầu các công ty báo cáo dư nợ cho vay margin đối với các mã chứng khoán: FLC; AMD; KLF; ART; HAI; ROS; GAB. Trong đó, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu báo cáo cụ thể dư nợ cho vay margin của tất cả tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay này, tương ứng với từng mã chứng khoán.
Theo yêu cầu của cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán phải gửi báo cáo về UBCKNN trước ngày 8/4/2022.
Cổ phiếu "họ FLC" lao dốc
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán"; Trịnh Thị Minh Huế - cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS, với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội "Thao túng thị trường chứng khoán".
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu thuộc "họ FLC" trở thành tâm điểm của thị trường đã liên tục nằm sàn. Đến 1/4, lại xuất hiện thanh khoản tăng đột biến, kéo mã FLC (Tập đoàn FLC) và ROS (Xây dựng FLC Faros) đổi màu từ xanh lơ sang xanh đỏ, lần lượt đạt mức giá 10.850 đồng và 6.920 đồng/cổ phiếu.
Cùng ngày, trong văn bản gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Tập đoàn FLC, việc phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn FLC nói riêng và sự ổn định của thị trường chứng khoán nói chung. Việc tiếp tục có những dấu hiệu bất thường nói trên sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tập đoàn FLC, tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông của công ty.
Vì vậy, tập đoàn này đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại điều 7 Luật chứng khoán 2019 (bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp): tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
Trong phiên giao dịch hôm nay (6/4), cổ phiếu FLC tiếp tục giảm mạnh 4,41%, xuống chỉ còn 10.850 đồng/cp. Các cổ phiếu cùng họ như AMD (giảm 3,97%); ROS (giảm 5,14%); ART(4,49%),...