10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho lâm, thủy sản: NHNN "bật đèn xanh", loạt nhà băng nhập cuộc

23/06/2023 22:09 GMT+7
"Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cho vay ưu đãi và không hạn chế room tín dụng cho lâm sản, thủy sản. Nếu nhu cầu của 2 lĩnh vực này là phù hợp và đáp ứng được các điều kiện tín dụng thì không chỉ 10.000 tỷ đồng, mà có thể trên 10.000 tỷ đồng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Như Etime đã đưa tin, Hiệp hội Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỷ USD, giảm 27,9%. Các doanh nghiệp trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh của dịch bệnh Covid-19.

Các đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 20% - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Các doanh nghiệp còn đối mặt với 2 vấn đề lớn: nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm-cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi dự báo thị trường sẽ phục hồi, nhưng người nuôi đã không thể có đủ "sức" để thả nuôi tiếp vào thời điểm hiện nay; không ít các doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất, suy thoái nặng nề và thậm chí không thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Vasep cho rằng cần có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu cho nông dân.

Đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả trong quý II - III năm nay và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm nay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho ngành lâm, thủy sản.

10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho lâm, thủy sản: NHNN "bật đèn xanh", loạt nhà băng nhập cuộc - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ về gói tín dụng ưu đãi dành cho lâm, thủy sản. (Ảnh: LT)

Chia sẻ với PV về vấn đề này, tại cuộc họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra vào ngày 21/06, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách. Do đó, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM Nhà nước hay NHTM cổ phần đều phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, cần có những chính sách khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp hai lĩnh vực này để giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản.

"NHNN chỉ đạo cho vay ưu đãi và không hạn chế room tín dụng cho hai lĩnh vực này. Nếu như nhu cầu của 2 lĩnh vực này là phù hợp và đáp ứng được các điều kiện tín dụng thì không chỉ 10.000 tỷ đồng, mà có thể trên 10.000 tỷ đồng bởi dư nợ hiện nay đối với 2 lĩnh vực này lớn hơn 10.000 tỷ đồng rất nhiều", Phó Thống đốc nói.

Về đề nghị giãn hoãn nợ 4 - 6 tháng, Phó Thống đốc cho biết hiện theo Thông tư 02, việc giãn hoãn nợ lên tới cả năm. Do đó, đề nghị của Vasep hoàn toàn được đáp ứng. "Tôi sẽ giao Vụ tín dụng làm việc lại với Vasep xem việc triển khai của các ngân hàng như thế nào", ông Tú thông tin thêm.

Về phía ngân hàng thương mại, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, là ngân hàng phục vụ tam nông nên dư nợ cho vay lĩnh vực này luôn chiếm 65-70%/tổng dư nợ của Ngân hàng. Tính đến ngày 15/5, dư nợ tín dụng cho vay thủy sản đạt 59.000 tỷ đồng; đối với lĩnh vực lâm nghiệp, dư nợ cho vay đạt 55.000 tỷ đồng.

Đối với cho vay thủy sản, bà Bình cho biết, trước khó khăn chung, ngân hàng chủ động triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Song, bản thân ngân hàng rất mong muốn đẩy mạnh cho vay thủy sản nhưng dưới hình thức cho vay chuỗi. Bởi trong thời gian qua, ngân hàng này kẹt lượng vốn tương đối lớn khi 70% dư nợ cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản là nợ xấu.

Còn theo đại diện BIDV, dư nợ cho vay lâm sản và thủy sản tại ngân hàng này đạt khoảng 88.000 tỷ đồng, với khoảng 381 khách hàng có dự nợ là các tổ chức. Mặc dù nợ xấu trung bình của hai lĩnh vực này cao hơn trung bình nhưng trước những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, BIDV vẫn thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp trong ngành và áp dụng những chính sách hỗ trợ như những năm trước. Đồng thời, ngân hàng cũng chủ động triển khai hoãn, giãn nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, BIDV tiếp tục xem xét giảm lãi suất thêm 0,5% đối với USD và khoảng 1% đối với VND. Đồng thời, xem xét cụ thể các khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.

Việc hỗ trợ cho 2 lĩnh vực này không chỉ ở phía ngành Ngân hàng, bởi ngành Ngân hàng chỉ liên quan đến vấn đề nguồn lực vốn, mà còn rất nhiều vấn đề cấp thiết khác như: phải có thị trường tiêu thụ, phải có thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước… những việc này thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành khác. Các doanh nghiệp phải tham gia chuỗi giá trị, tạo sự ra hỗ trợ lẫn nhau. Vấn đề ứng dụng công nghệ cũng rất quan trọng đối với hai lĩnh vực này, hay vấn đề tăng thêm khả năng dự trữ và tạm trữ vì nó là sản phẩm mùa vụ…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú




H.Anh
Cùng chuyên mục