2 phương án khi người lao động nghỉ việc muốn hưởng BHYT

15/12/2020 07:44 GMT+7
Không ít người lao động thắc mắc, khi nghỉ việc và không còn tham gia BHXH, BHYT thì khi khám, chữa bệnh có còn được hưởng BHYT không?

Về vấn đề này, căn cứ theo Quyết định 595/QĐ-BHXH (ngày 14/4/2017) thì khi doanh nghiệp báo giảm người tham gia BHYT tại đơn vị mình thì thẻ BHYT của người lao động nghỉ việc sẽ không còn giá trị sử dụng. 

Như vậy cũng có nghĩa là, khi đã nghỉ việc ở công ty, người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

Để được hưởng BHYT sau khi nghỉ việc, người lao động có thể thực hiện một trong các phương án sau đây:

Phương án 1: Tham gia BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình

Căn cứ Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 148) được tham gia BHYT theo hộ gia đình).

2 phương án khi người lao động nghỉ việc muốn hưởng BHYT - Ảnh 1.

Khi đã nghỉ việc ở công ty, người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh minh họa

Do đó, người lao động sau khi nghỉ việc có thể liên hệ với các cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), đại lý thu BHXH, BHYT để làm thủ tục tham gia BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình. Mức đóng BHYT tự nguyện theo hộ gia đình cụ thể như sau:

- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng).

- Người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất.

- Người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất.

- Người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất.

- Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Phương án 2: Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tại Điều 51 Luật Việc làm 2013 quy định:

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

2. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động sẽ được cơ quan BHXH đóng BHYT và cấp thẻ BHYT theo quy định tại Điều 23 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (hiện quy định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP).

Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ không được hưởng BHYT. Khi đó, người lao động có thể tham giao BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình như phương án 1 để tiếp tục hưởng chế độ BHYT khi đi KCB.

A.Vũ
Cùng chuyên mục