3 kịch bản về giá dầu theo cấp độ căng thẳng của các cuộc xung đột
3 kịch bản về giá dầu theo cấp độ căng thẳng của các cuộc xung đột
Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với những năm 1970, thế nhưng sự leo thang của cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông—kèm theo đó là tình trạng gián đoạn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn có thể đẩy thị trường hàng hóa toàn cầu vào tình trạng "đóng băng".
Báo cáo của Ngân hàng cũng đưa ra 3 kịch bản rủi ro dựa trên các giai đoạn lịch sử liên quan đến xung đột khu vực kể từ những năm 1970 với mức độ nghiêm trọng và hậu quả ngày càng gia tăng.
Một kịch bản "gián đoạn nhỏ" tương đương với sản lượng dầu giảm trong cuộc nội chiến Libya năm 2011 là khoảng 500.000 đến 2 triệu thùng mỗi ngày (bpd), mức giảm này sẽ đẩy giá dầu lên mức 93 đến 102 USD một thùng trong quý thứ tư.
Kịch bản "gián đoạn trung bình" - gần tương đương với cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 - sẽ cắt giảm nguồn cung dầu toàn cầu từ 3 triệu đến 5 triệu thùng/ngày, đẩy giá lên từ 109 đến 121 USD/thùng.
Kịch bản "gián đoạn lớn" của Ngân hàng Thế giới vạch ra gần giống với tác động của lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập năm 1973, làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu từ 6 triệu đến 8 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ đẩy giá lên 140 USD đến 157 USD một thùng, tăng tới 75%.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trước những căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản của nước này. Nhu cầu dầu của nước này đã tăng 12% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Không thể áp giá trần đối với dầu thô của Nga
Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, sản xuất và xuất khẩu dầu từ Nga tương đối ổn định trong năm nay bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu thô của Nga nhằm trừng phạt Moscow trong xung đột Ukraine.
Tuy nhiên xuất khẩu của Nga sang Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác đã giảm 53 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, nhưng phần lớn đã được bù đắp bằng xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất khẩu của những nước này đã tăng 40 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Ngân hàng Thế giới cho biết: "Giới hạn giá đối với dầu thô của Nga được đưa ra vào cuối năm 2022 dường như ngày càng không thể thực thi được do giá Urals tăng đột biến gần đây". Mức giá trần G7 áp đối với dầu thô của Nga là 60 USD. Mức trần này nhằm mục đích hạn chế người mua dầu thô của Nga sử dụng các dịch vụ do phương Tây cung cấp, bao gồm vận chuyển và bảo hiểm, trừ khi hàng hóa được bán bằng hoặc thấp hơn giá giới hạn.
Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết: "Có vẻ như bằng cách nào đó, Nga vẫn có thể giao dịch ngoài giới hạn; tiêu chuẩn chính thức của Urals gần đây đã vượt giới hạn trong hơn ba tháng, lên trung bình 80 USD/thùng trong tháng 8," báo cáo cho biết.
Ngân hàng Thế giới cho biết, nếu xung đột Israel-Hamas leo thang, các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển sẽ cần phải thực hiện các bước để quản lý khả năng lạm phát gia tăng. Tổ chức này nói thêm rằng, các chính phủ nên tránh các hạn chế thương mại như cấm xuất khẩu thực phẩm và phân bón vì chúng thường có thể làm tăng biến động giá cả và làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.