3 thách thức chờ đợi thị trường chứng khoán thế giới vào tháng 5

25/04/2020 10:44 GMT+7
Chỉ số S&P 500 đã hồi phục hơn 50% kể từ vùng đáy ngày 23/3 và chỉ số này chỉ giảm 17% so với mức đỉnh lịch sử vào ngày 19/2. Đây là một sự hồi phục đáng ngạc nhiên, vì trước đó hầu như không ai dự đoán được sự hồi hình chữ V trong thị trường chứng khoán.

Joe Zicherman, đến từ Stadium Capital - người đã có kinh nghiệm 40 năm trên chứng khoán khi làm việc tại bộ phận đầu tư của Merrill Lynch, sau đó là Morgan Stanley và hiện tại là nhà đầu tư cá nhân đã có một giải thích rất đơn giản về đà hồi phục của thị trường chứng khoán: “Thị trường đã tin rằng Fed không thể thất bại”.

3 thách thức chờ đợi thị trường chứng khoán thế giới vào tháng 5 - Ảnh 1.

Biểu đồ sự hồi phục theo chữ V của chỉ số S&P 500

Ông cho rằng, các lý thuyết đang cho thấy Fed sẽ hết cách trong việc hỗ trợ thị trường là điều sai lầm. “Fed đã hỗ trợ mua lại trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu với lợi tức cao. Họ sẽ dùng bất cứ cách nào có thể”, ông nói thêm.

Thị trường hiện tại không giống với năm 2008

Nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ kiểm định lại vùng đáy cũ như vào thời điểm năm 2008, thị trường cũng giảm vào thời điểm đó trước khi chạm đáy vào tháng 3/2009.

John Davi, giám đốc đầu tư và người sáng lập Astoria Portfolio Advisors khẳng định, có một sự khác biệt quan trọng giữa năm 2008 và năm 2020.

“Tốc độ Fed và Chính phủ Mỹ đưa ra các gói cứu trợ là rất khác nhau giữa 2 thời điểm này. Vào năm 2008, phải mất rất nhiều tháng mới xuất hiện các gói hỗ trợ thị trường. Trong khi đó, tại thời điểm hiện nay, chỉ mất một vài tuần và có nhiều gói hỗ trợ trực tiếp cho từng cá nhân”, ông nói.

Thị trường chứng khoán và nền kinh tế, ai đúng?

Vẫn có rất nhiều nhà đầu tư hiện tại đang đồng ý quan điểm nền kinh tế báo hiệu sự suy giảm lớn hơn nhiều so với định giá các cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Peter Cecchini, Giám đốc điều hành cấp cao của Cantor Fitzgerald cho rằng: “Không chỉ riêng vì đại dịch mà chúng ta còn đang chứng kiến một cú sốc đối với giá dầu và nợ công đang phình to”.

Ông cũng nhìn thấy một số rủi ro hiện hữu trong tháng 5:

Thứ nhất, sự gia tăng của các ca nhiễm mới trong làn sóng đầu tiên khi mở cửa nền kinh tế trở lại của nhiều quốc gia.

Thứ hai, sẽ khó khăn hơn trong việc đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả.

Thứ ba, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tệ hơn so với nhiều người kỳ vọng.

Peter Cecchini kỳ vọng tích cực vào thị trường chứng khoán nhưng lại đánh giá tiêu cực vào nền kinh tế giai đoạn hiện tại. Theo ông, chỉ những công ty như Visa, Microsoft, Mastercard... với bảng cân đối kế toán lành mạnh sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.

Hạc Hiên/ĐTCK
Cùng chuyên mục