4 ông lớn kiểm toán toàn cầu vào tầm ngắm của đối thủ - Ai là con mồi?
Lĩnh vực dịch vụ ngoài kiểm toán của Big Four đang lọt vào tầm ngắm của các đối thủ
Năm 2001, công ty năng lượng Enron đã bị khai tử do gian lận dưới sự trợ giúp của đại gia kiểm toán Arthur Andersen. Sau đó công ty kiểm toán Arthur Andersen cũng sụp đổ do không còn ai thuê dịch vụ của họ. Điều này không chỉ làm giảm hàng ngũ Ngũ Đại Gia (Big Five) xuống còn Tứ Đại Gia (Big Four) mà còn buộc hầu hết các công ty này phải bán lại các bộ phận tư vấn của mình trong bối cảnh xung đột về lợi ích.
20 năm sau khi vụ lừa đảo Enron đi vào lịch sử, Big Four đã xây dựng lại đế chế tư vấn của họ. Họ tư vấn về mọi thứ từ phá sản cho đến an ninh mạng. Nhưng hiện tại, một loạt các vụ bê bối mới lại làm dấy lên lo ngại rằng các công ty bán dịch vụ như tư vấn sáp nhập không thể hoạt động hiệu quả với vai trò kiểm toán.
Điều đó đã buộc Deloitte, EY, KPMG và PwC phải kiềm chế hoạt động bán chéo dịch vụ (cross-selling) đã giúp mang lại tổng doanh thu 157 tỷ USD vào năm ngoái. Đồng thời, nó cũng mở ra cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh nắm bắt thời cơ, thu hút những đối tác, cố vấn cấp cao hoạt động hiệu quả của Big Four bằng những tờ séc trả lương hậu hĩnh.
Những đối thủ nhỏ hơn, được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư tư nhân, đang tìm cách chiếm lĩnh các bộ phận sinh lợi nhất trong hoạt động kinh doanh của Big Four. Các bộ phận này không bị ảnh hưởng bởi tỷ suất lợi nhuận thấp hay các hoạt động kiểm toán vốn được quản lý chặt chẽ và có khả năng gây mất uy tín cho doanh nghiệp.
Từ năm 2017, công ty tư nhân Alvarez & Marsal đã thuê hơn 50 cố vấn cấp cao của Big Four tại Châu Âu. Richard Fleming, người đứng đầu bộ phận tái cấu trúc châu Âu của Alvarez & Marsal cho biết: "Chúng tôi không ăn cắp bữa trưa của họ quá nhiều, chúng tôi lấy thức ăn mà mình muốn từ tủ bếp của họ".
Big Four đã định hình lại bản thân để đối phó với tình hình, họ kiên quyết sẽ bảo vệ "sân nhà". Jon Holt, Giám đốc điều hành KPMG tại Anh quốc cho biết tuy họ đang bị đột kích "không có nghĩa là mô hình đa ngành đã chết".
Các quỹ đầu tư mua lại mọi thứ trừ lĩnh vực kiểm toán
Một công ty Big Four với các đối tác bất ổn sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn tương tự như một câu lạc bộ bóng đá đàm phán với một cầu thủ "muốn ra đi". Họ cần sắp xếp một vụ mua bán nhanh chóng để huy động tiền mặt và định hình lại đội ngũ, hoặc giữ nguyên tình trạng hiện tại và chịu rủi ro rằng đội ngũ sẽ tan rã mà còn không đạt được gì về tài chính.
Các đối thủ nhỏ hơn với kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng đã nhận thấy rằng họ có thể tác động đến các đối tác của Big Four, những người cảm thấy bị trả lương thấp hơn, không được yêu thích hoặc bị hạn chế trong việc giành được khách hàng do mâu thuẫn với thực tiễn kiểm toán của các công ty.
Cả Deloitte và KPMG đều đã bị ép phải bán các bộ phận tái cấu trúc tại Anh quốc trong năm nay. Những thương vụ này được chống lưng bởi các quỹ đầu tư tư nhân CVC Capital Partners và HIG Capital. Các lĩnh vực kinh doanh khác cũng đang bị thâu tóm.
Một giám đốc điều hành quỹ đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ, người đã làm việc trong nhiều giao dịch dịch vụ chuyên nghiệp cho biết: "Chúng tôi quan tâm đến mọi thứ trừ mảng kiểm toán".
Các thương vụ đến một cách dày đặc và nhanh chóng. Tháng trước, PwC đã bán bộ phận tư vấn thuế và nhập cư với giá 2,2 tỷ USD cho nhóm mua lại Clayton, Dubilier & Rice. Đây là giao dịch lớn nhất của Big Four trong những năm gần đây.
Tập đoàn này cũng đã bán một doanh nghiệp fintech ở Anh và một phần của các bộ phận tư vấn cho các quỹ đầu tư tư nhân ở Hoa Kỳ và Ý.
Năm ngoái, KPMG cũng đã bán đi bộ phận kinh doanh lương hưu có 500 nhân viên tại Anh quốc trong một thỏa thuận trị giá 200 triệu bảng Anh.
Các công ty độc lập có trụ sở chính tại Hoa Kỳ như Alvarez & Marsal, AlixPartners và FTI Consulting cũng đang thuê các đối tác "ngôi sao" của Big Four để thúc đẩy sự mở rộng toàn cầu.
Các đối tác bị hấp dẫn vì thành quả của mình dễ được công nhận hơn
Các quỹ đầu tư tư nhân và các công ty độc lập đang hấp dẫn các đối tác của Big Four. Họ hứa hẹn về việc sẽ có ít cuộc chiến hơn trên sân nhà, với quyết định nhanh hơn và đầu tư mau lẹ hơn vào các lĩnh vực bị bỏ quên, song song với đó là những lời hứa về sự giàu có hơn.
Những đối tác hoạt động hiệu quả cao có thể có được thu nhập nhiều hơn so với mô hình Big Four truyền thống. Trong đó, thời gian họ cung cấp dịch vụ là yếu tố chính xác định tỷ lệ lợi nhuận.
Timothy Mahapatra, giám đốc điều hành tại Alvarez & Marsal, cho biết: "Các đối tác trẻ tuổi, những người có tài năng cao đang ngày càng mất kiên nhẫn khi nghĩ đến những phần thưởng chính đáng cho những gì họ làm". Ông nói thêm rằng hiện các nhân viên được trả lương của Big Four phải chờ đợi lâu hơn trước khi trở thành đối tác được chia sẻ lợi nhuận của công ty: "Chúng tôi có thể công nhận thành quả của mọi người một cách dễ dàng hơn".
Các công ty Big Four đã tăng cường tuyển dụng khoảng 1,2 triệu người trên toàn thế giới. Hệ quả là bộ máy hành chính tại các công ty khiến cho một số đối tác cảm thấy họ bị tước quyền.
Mark Raddan, trưởng bộ phận cố vấn của Interpath Advisory, công ty tái cấu trúc doanh nghiệp được KPMG bán cho HIG cho biết: "Khi bạn là một trong số 600 đối tác, bạn sẽ không có được quyền lợi công bằng ở quy mô đó. Thực ra, bạn chỉ là một nhân viên xuất sắc".
Nhưng đối mặt với những quỹ đầu tư tư nhân, Big Four vẫn lạc quan về việc giữ được phần lớn các đối tác của họ. Các công ty này cho rằng mô hình của họ mang lại thu nhập ổn định từ các ngành nghề kinh doanh đa dạng và phù hợp để giúp khách hàng đối phó với những thay đổi do đại dịch, biến đổi khí hậu và Brexit.
Jon Holt nói: "Bạn cần một công ty đa ngành toàn cầu để giải quyết những vấn đề [của khách hàng]. Vì khách hàng không chỉ đưa ra một vấn đề đơn nhất cho bạn".
Theo các giám đốc điều hành tại Big Four thì điều đó có nghĩa là những thương vụ bán lại đôi khi là do sự lựa chọn. Một giám đốc điều hành toàn cầu nói: "Đây là việc cắt giảm danh mục đầu tư, tạo ra khả năng đầu tư để sau đó thực hiện các giao dịch khác. Điều này nhằm đạt được những năng lực mà hiện tại chúng tôi có thể không có ở quy mô [mà chúng tôi cần] cho tương lai".
Đôi khi việc chuyển nhượng có hiệu quả cho cả 2 bên mua và bán. Ông Andrew Coles, giám đốc điều hành Isio, bộ phận lương hưu tại Anh quốc mà KPMG đã bán đi, cho biết công ty của ông đã mở rộng nhanh hơn với tư cách là một doanh nghiệp độc lập thông qua một thương vụ mua lại gần đây.
Tận dụng xu hướng mua lại đang phát triển
Sự thành công của một số đợt mua lại sớm, đã làm tăng vốn cho các quỹ đầu tư tư nhân. Từ năm 2012 đến năm 2016, CVC đã tăng gần bốn lần số tiền cổ phần của mình trong AlixPartners.
Theo phân tích của Source Global Research, một nhà cung cấp dữ liệu cho các nhà tư vấn, trên toàn cầu, số lượng các giao dịch dịch vụ chuyên nghiệp liên quan đến các quỹ đầu tư tư nhân đã tăng đều đặn kể từ năm 2013.
Riêng tại Anh quốc, dữ liệu thị trường cho thấy có hơn 400 thương vụ vào năm 2020. Dựa trên các xu hướng hiện tại, số thương vụ có thể tăng hơn một nửa trong năm nay.
Các nhóm mua lại cũng thường tránh mua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Lý do là vì các ngân hàng cảnh giác với việc gia hạn một lượng lớn nợ cho các công ty có tài sản chính là con người, thay vì nhà máy hoặc máy móc.
Tuy nhiên, những người cho vay ngày càng cấp nhiều tiền hơn cho các quỹ đầu tư tư nhân để mua lại các công ty chuyên nghiệp với số lượng đòn bẩy ngày càng tăng. Trong khi đó, Big Four đã học cách để giữ chân những đối tác hoạt động hiệu quả, chẳng hạn như với đưa ra các quyền chọn mua cổ phiếu [có thể bị rút lại].
Vẫn tồn tại rủi ro trong các thương vụ mua lại
Nhưng mua một doanh nghiệp có tài sản là con người đi kèm với rủi ro. Teneo, công ty tư vấn và quan hệ công chúng thuộc sở hữu của CVC đã mua lại bộ phận kinh doanh tái cấu trúc của Deloitte trong năm nay. Hai nhà sáng lập Teneo từ bỏ công việc đã khiến công ty rơi vào các cuộc khủng hoảng uy tín riêng biệt trong vài tháng gần nhau.
Ngoài ra còn có rủi ro thương mại đối với các công ty mới tách ra. Theo Moody's, tính đến tháng 3 năm nay, khoản nợ lớn 605 triệu USD của Teneo khiến công ty phải chịu đòn bẩy gấp hơn 6 lần thu nhập cốt lõi. Điều này làm giảm khả năng xử lý của công ty nếu có điều xấu xảy ra.
Theo những người quen thuộc với các thương vụ loại này, vụ mua lại Interpath của HIG có giá trị khoảng 375 triệu bảng Anh, đã khiến một số đối thủ đặt câu hỏi liệu nó có thể mang lại lợi nhuận thỏa đáng ngay cả khi mở rộng ra quốc tế hay đa dạng hóa ngành nghề sang các lĩnh vực như kế toán điều tra.
Xuất hiện thực tế trong những thương vụ gần đây là ngành tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra trầm lắng hơn dự kiến trong thời kỳ đại dịch. Vì với sự hỗ trợ của chính phủ, các ngân hàng và thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp có thể tồn tại.
Đồng thời, cạnh tranh trong ngành cũng rất gay gắt. Một luật sư chuyên cố vấn phá sản cho biết, với cùng một công việc có đến 7 hoặc 8 cố vấn tái cấu trúc muốn tham gia.
Theo giám đốc điều hành của Source Global Research, Fiona Czerniawska, một nhóm tư vấn có thể tính tiền 73% đến 75% thời gian của nhân viên tư vấn cho khách hàng. Công việc có thể "kiếm được rất nhiều tiền" nhưng nếu tỷ lệ "sử dụng" này giảm chỉ một vài điểm phần trăm, thì tổn thất có thể tăng lên nhanh chóng.
Nếu không có mạng lưới toàn cầu rộng lớn của Deloitte và KPMG, các đối thủ cạnh tranh cho rằng các công việc kinh doanh độc lập mới tại Interpath và Teneo có thể gặp khó khăn để giành được những "tấm vé lớn" trên trường quốc tế. Hai công ty này có mục tiêu mở rộng ra quốc tế nhưng ngay cả khi họ thành công thì cũng cần phải mất nhiều thời gian.
Richard Fleming, người đã đưa một nhóm đối tác từ KPMG đến Alvarez & Marsal năm 2017, cho biết: "Họ có thể thuê ai đó, ở nơi nào đó trong một phạm vi thẩm quyền. Nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, họ là đối thủ yếu hơn rất nhiều so với ngày hôm qua".
Ai là con mồi?
Các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn đang săn lùng những công việc kinh doanh của Big Four. Tuy nhiên, họ chưa thể ngăn cản sự tăng trưởng của 4 đại gia này. Ba trong số 4 công ty đã báo cáo doanh thu tăng trong năm nay, còn kết quả của KPMG dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 12.
Và các giám đốc điều hành của Big Four muốn coi những cuộc tấn công của các quỹ đầu tư tư nhân như một chu kỳ bình thường của việc tạo ra và bán đi các công việc kinh doanh mới. Họ đã mua các doanh nghiệp và tự xây dựng các lĩnh vực mà họ dự đoán sẽ tăng trưởng sau đại dịch như: công nghệ, điện toán đám mây, biến đổi khí hậu. Họ tuyên truyền sự thay đổi văn hóa trong các công ty, trong tư vấn sáp nhập và mua lại. Điều quan trọng theo họ, thương vụ mua đi bán lại là do sự lựa chọn thay vì sự cần thiết.
Nhưng đối với những đối thủ đang trỗi dậy, những động thái đó không thay đổi sự thật rằng Big Four là con mồi của họ. Richard Fleming nói: "Tôi nghĩ rằng họ không có khả năng tự vệ".