6 yếu tố giúp tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm nay

27/07/2024 06:30 GMT+7
Nhóm chuyên gia Vasset Management Services dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt 6,5% nhờ 6 yếu tố này và trong đó, xuất khẩu sẽ là động lực lớn nhất. Xuất khẩu được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng, một phần do thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng tích cực.

Vasset Management Services (VSM; VSM Team) đã công bố báo cáo chiến lượng vĩ mô với tựa đề "Động lực tăng trưởng với áp lực giảm dần về cuối năm".

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2024, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid19, cho thấy kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới ổn định hơn, đơn hàng đã quay trở lại Việt Nam thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, thị trường Bất động sản phục hồi chậm.

Thống kê cho thấy, tính riêng quý II/2024, GDP tăng 6,93%, cao hơn đáng kể so với kết quả của quý I/2024 (5,87%) và cùng kỳ năm 2023 (4,05%).

6 yếu tố giúp tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm nay- Ảnh 1.

Dự báo GDP năm 2024 tăng trưởng đạt 6,5%, nhờ đâu?

Nhóm chuyên gia VSM đưa ra 6 yếu tố để kỳ vọng dự báo GDP năm 2024 tăng trưởng đạt 6,5%.

Trong đó, yếu tố đầu tiên VSM Team đưa ra là xuất khẩu. Xuất khẩu được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng, một phần do thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng tích cực, nhu cầu tiêu thụ tại các nước đối tác thương mại hồi phục mạnh mẽ. Hơn hết, hoạt động thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 2,5 - 3% trong năm 2024.

6 tháng đầu năm cho thấy đơn hàng đang quay trở lại Việt Nam (nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ và 94% số đó đến từ hàng tư liệu sản xuất; chỉ số PMI tháng 6 tăng mạnh lên 54,7 điểm và khảo sát cũng cho thấy sản lượng và số đơn hàng mới tăng cao. Ngoài ra, Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam kỳ vọng sẽ mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến căng thẳng.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của ngành công nghiệp bán dẫn và linh kiện điện tử toàn cầu (điện tử, điện thoại, linh kiện, máy móc chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong nửa đầu năm 2024).

Thứ hai, sản xuất công nghiệp cũng là yếu tố được VSM Team kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng theo xuất khẩu và nhu cầu trong nước hồi phục. Nhóm chuyên gia đưa ra dẫn chứng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nửa đầu năm tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo tăng 8,5%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực này.

"Nhu cầu trong nước cũng đang có dấu hiệu hồi phục từ mức nền thấp, cùng với triển vọng tích cực của xuất khẩu sẽ hỗ trợ cho đà tăng của hoạt động sản xuất công nghiệp trong nửa cuối năm 2024", trích báo cáo của VSM Team.

Thứ ba, VSM Team đánh giá, dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng ổn định do Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có sẵn những lợi thế cạnh tranh so với khu vực và các nước đối thủ khác, bao gồm tình hình kinh tế, chính trị ổn định, vị trí chiến lược thuận lợi cho hoạt động đầu tư,.. và Chính phủ Việt Nam cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua ban hành những gói hỗ trợ hấp dẫn, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi,

Thứ tư, ngành bán lẻ, dịch vụ cũng được VSM Team kỳ vọng khả quan hơn nhờ các biện pháp kích cầu và thu hút khách du lịch trong nửa cuối năm nay, thậm chí tăng trưởng "ấn tượng" trong năm 2025 nhờ Chính sách tiền tệ nới lỏng và các biện pháp kích cầu (Bao gồm việc gia hạn thời gian giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản…) sẽ phát huy hiệu quả rõ ràng hơn; và triển vọng kinh tế khả quan với động lực chính từ hoạt động xuất khẩu sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tác động tích cực đến cầu tiêu dùng; lạm phát dù có dấu hiệu tăng nhưng kỳ vọng vẫn được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu 4.5% của Chính phủ.

Tiếp theo, VSM Team chỉ ra yếu tố tiếp theo hỗ trợ GDP năm 2024 tăng trưởng đạt 6,5% là đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Cụ thể, VSM Team dự báo tỷ lệ giải ngân năm nay sẽ đạt mức kỷ lục vào khoảng 90-95% kế hoạch nhờ: Các nút thắt pháp lý và đầu tư đang dần được tháo gỡ; năm 2024 là năm thứ 4 trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, đây là thời điểm đầu tư công được đẩy mạnh để hoàn thành chỉ tiêu được giao và giá hàng hóa nguyên vật liệu dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức thấp.

6 yếu tố giúp tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm nay- Ảnh 2.

Cuối cùng, lĩnh vực quan trọng, có mức độ lan tỏa cao đến nền kinh tế, tác động đến nhiều lĩnh vực khác như bất động sản sẽ là yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến.

6 tháng cuối năm, thị trường BĐS được đánh giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng phục hồi nhờ: Mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc tiếp cận nguồn vốn, bên cạnh đó mức lãi suất thấp đi kèm với các chính sách ưu đãi của chủ đầu tư cũng giúp cải thiện nhu cầu mua nhà; hành lang pháp lý hoàn thiện, đảm bảo tăng trưởng của ngành trong trung và dài hạn, trong đó Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực sớm từ 1/8/2024; tiến độ triển khai phân khúc nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ cải thiện, góp phần giải quyết nhu cầu ở thật giúp cân đối lại cung cầu trên thị trường, và đẩy mạnh đầu tư công với các dự án lớn, các trục giao thông nối trung tâm Hà Nội và TP HCM với các khu vực, tỉnh thành lân cận thúc đẩy giá nhà đất qua đó kích thích nhu cầu đầu tư BĐS.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cũng nhận định, tốc độ hồi phục sẽ tương đối chậm do niềm tin của NĐT chưa thể khôi phục lại sau năm 2022 đổ vỡ, mặt bằng giá vẫn đang neo ở mức cao, rủi ro liên quan đến đáo hạn TPDN, cùng quan điểm thận trọng về hoạt động cho vay của các ngân hàng khi rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại. (VSM) đã công bố báo cáo chiến lượng vĩ mô với tựa đề "Động lực tăng trưởng với áp lực giảm dần về cuối năm".

Linh Anh
Cùng chuyên mục