PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Giá vàng trên thị trường được các "chành vàng sỉ" ấn định
Người dân mua, bán vàng chỉ là người chấp nhận giá, không phải là người quyết định giá
Tại Tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" ngày 8/7, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, vấn đề vàng hóa sẽ gây ra tác hại rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu như người dân cứ giữ vàng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với đồng nội tệ. Chính vì vậy, Chính phủ ở các quốc gia trên thế giới đều muốn loại màu vàng ra khỏi lưu thông.
"Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang từng bước loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông, tránh làm vàng tác động lên nền kinh tế", ông Huân nói.
Dẫn ví dụ, ông nói, Anh và Mỹ có những giai đoạn người dân nắm giữ vàng quá nhiều làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ. Trước thực trạng đó, Chính phủ Anh, kiểm soát về số lượng khi cho phép mỗi người dân chỉ được sở hữu một lượng vàng nhất định, không được nhiều hơn.
Với Chính phủ Mỹ, từ năm 1933 đến 1971 kiểm soát bằng cách cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất, hay còn được gọi là Pure Gold hay vàng 99,99. Người dân chỉ được phép sở hữu vàng trang sức theo quy định cụ thể chỉ khoảng 75% hoặc 61%, không giống như vàng nhẫn ở Việt Nam là một dạng "lách luật" khi mà vàng nhẫn ở Việt Nam cũng lên đến 99%.
"Vấn đề cốt lõi ở đây là nếu người dân vẫn xem vàng như một loại tiền tệ thì rất khó cho ngân hàng trung ương các quốc gia điều hành được chính sách tiền tệ theo mong muốn và khó có thể ổn định những vấn đề kinh tế vĩ mô", ông Huân nhấn mạnh.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những quốc gia tương tự Việt Nam khi người dân có thói quen tích trữ vàng. Tuy nhiên, Trung Quốc có một lượng dữ trữ ngoại hối lớn nên "không quá lo". Trong khi đó, ở những thời điểm căng thẳng của nền kinh tế, Chính phủ Ấn Độ, cũng như là ngân hàng trung ương Ấn Độ có biện pháp quản lý, kiểm soát người dân sở hữu vàng nguyên chất.
"Như vậy, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều cố gắng là tìm kiếm những cái biện pháp, thậm chí là cực đoan như là cấm người dân sở hữu và nguyên chất vật chất. Làm như vậy để đảm bảo được tính ổn định của kinh tế vĩ mô và đảm bảo sức mạnh của đồng nội tệ", ông Huân nói.
Liên quan đến ý kiến cho rằng những "cơn bão giá vàng" đã qua có bàn tay của một số nhóm đầu cơ muốn "nương theo" sóng vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi, ông Huân phân tích: Đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là không có những sàn vàng tập trung, minh bạch, thay vào đó chủ yếu là các tiệm vàng. Do đó, mức giá mua và giá bán do các tiệm vàng ấn định. Điều đó sẽ tạo ra những Market Maker (nhà tạo lập thị trường). Người dân mua, bán vàng chỉ là người chấp nhận giá chứ không phải là người quyết định giá. Mặc dù vậy, các tiệm vàng khác nhau nhưng lại có những mức giá tương đối là bằng nhau, có chênh lệch không đáng kể.
Sở dĩ như vậy là do giá trên thị trường đã được các "chành vàng sỉ" hay còn gọi là "nhà cái" ấn định cho các tiệm vàng. Đây là những "nhà tạo lập thị trường" nhưng cũng chính là nhóm đầu cơ và có khả năng lũng đoạn thị trường.
Các chuyên gia nhấn mạnh những "nhà cái" này đã tồn tại lâu đời, chi phối toàn bộ thị trường vàng (bao gồm vàng nhẫn) trước khi Nghị định 24/24/2012/NĐ-CP ra đời ngày 3/4/2012.
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, những "chành sỉ" lớn có khả năng kiểm soát được giá thị trường. Họ có thể ấn định được mức giá lên hay xuống của thị trường bởi vì họ nắm phần lớn thị trường. Trong kinh tế gọi những người đó là market maker, những nhà tạo lập thị trường hoặc tiêu cực hơn là những nhà đầu cơ, lũng đoạn thị trường.
Dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng phải trả giá quá cao
Cũng theo ông Huân, Mỹ - ở một số thời điểm nhất định cũng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bán cho người dân một tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu. Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được, nhưng nhà nước sẽ phát hành cho người dân một tín chỉ thay vì là vàng nguyên chất. Ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dữ trự ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương.
Ở một số thời điểm nhất định khi đồng nội tệ bị mất giá, Chính phủ một số nước cũng thực hiện việc phát hành tín chỉ quỹ ETF như vậy cho người dân. Với các giải pháp này, thị trường vàng vật chất sẽ không còn hấp dẫn.
Ông Huân cho rằng, thay vì cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất, Nhà nước nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất thấp.
Chuyên gia cũng lưu ý, dự trữ ngoại hối Việt Nam không nhiều, dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng phải trả giá quá cao. Hiện Việt Nam đang dành khá nhiều nguồn lực và sự quan tâm về thị trường vàng, làm thị trường này càng thêm sốt. Vì vậy, cần phải có những cái biện pháp làm giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng, hướng người dân sang những kênh đầu tư khác hỗ trợ phát triển nền kinh tế.