60 ha cây thạch đen được trao mã số vùng trồng, cơ hội làm giàu cho người dân Lạng Sơn

05/01/2021 09:23 GMT+7
Ngay sau khi Nghị định thư xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc được ký kết, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức trao 6 mã số vùng trồng thạch đen với diện tích 60 ha.

Thạch đen là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân huyện Tràng Định nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Với diện tích từ 1.200 – 2.000 ha/năm, thạch đen cho năng suất trung bình trên 5- 6 tấn/ha, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Theo Giám đốc Sở NNPTNT Lạng Sơn, Lý Việt Hưng, ngành đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các nội dung của Nghị định thư. Vào cuối tháng 12/2020 tổ chức trao 6 mã số vùng trồng cây thạch đen với diện tích 60 ha; phối hợp tổ chức tập huấn triển khai nội dung trong Nghị định thư cho các hộ trồng thạch đen; hoàn thiện hồ sơ bảo hộ giống thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 

Lạng Sơn: Trao 6 mã số vùng trồng cho 60 ha "cây trăm tỷ"  - Ảnh 1.

Nông dân huyện Tràng Định tất bật trồng cây thạch đen (K.Lực)

Bên cạnh sự chủ động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, các xã đã chủ động triển khai từng bước để nâng cao năng suất, chất lượng cây thạch đen. UBND huyện Tràng Định tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã hướng dẫn, hỗ trợ bà con tiếp tục cải tạo đất, tập trung trồng và chăm sóc thạch đen theo quy trình VietGAP. 

Chị Nông Thị Huyền, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, Tràng Định, trồng thạch đen trên 5 sào ruộng chia sẻ: "Lúc trước doanh nghiệp thu mua khoảng 20.000 đồng/kg thạch ruộng khô, bây giờ giá tăng lên 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để sản phẩm được giá cao, ổn định, đủ điều kiện xuất khẩu, tôi cũng như nhiều hộ trồng thạch đen đều ý thức được việc tổ chức lại sản xuất đảm bảo đúng quy trình, quy định và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn", chị Huyền chia sẻ. 

Lạng Sơn: Trao 6 mã số vùng trồng cho 60 ha "cây trăm tỷ"  - Ảnh 2.

Cây thạch đen sau khi thu hoạch được phơi khô rồi xuất bán cho thương lái.

Bên cạnh sự chủ động, quan tâm sát sao của các cấp, ngành và người trồng thạch, một thành tố rất quan trọng để đưa sản phẩm thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chính là các doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang có nhà máy chế biến sản phẩm tinh bột thạch của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý với sản lượng trung bình mỗi ngày 2,5-3 tấn tinh bột. 

Giám đốc Công ty Đức Quý cho biết, ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, công ty đã chủ động kết nối với các đối tác Trung Quốc để hợp tác kinh doanh. Để đảm bảo các quy định trong Nghị định thư, công ty đã đầu tư các trang thiết bị chiết xuất, lọc các chất tồn dư có trong phân đạm, phân lân và thuốc bảo vệ thực vật; chủ động mang sản phẩm thạch đen sang Trung Quốc để kiểm tra hóa nghiệm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Diện tích cây thạch đen hàng năm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 2.000 ha, tập trung tại 3 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia với sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm mang lại giá trị kinh tế từ 180 đến 250 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc tiêu thụ cây thạch đen không ổn định, giá cả bấp bênh, dễ bị ép giá.

PV
Cùng chuyên mục