Các đại gia doanh nghiệp Mỹ đang vô tình giúp Trung Quốc phát triển quân sự như thế nào?

03/07/2020 11:18 GMT+7
Vị thế lãnh đạo ngành công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghiệp trong dài hạn của Mỹ đang có nguy cơ xói mòn do sự mở rộng hoạt động của các công ty đa quốc gia (MNE) sang Trung Quốc trong suốt 2 thập kỷ qua, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ cho hay.
Vị thế tiên phong công nghệ của Mỹ bị xói mòn bởi chính... doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Trong 2 thập kỷ qua, hàng trăm MNE Mỹ đã đổ vốn vào Trung Quốc để tận dụng lợi thế nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ tỷ dân

Trong một nghiên cứu công bố vào đầu tháng 7, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung khuyến nghị Quốc hội Mỹ nên xem xét các biện pháp để bảo vệ vị thế lãnh đạo ngành công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghiệp của Mỹ trong dài hạn.

Nghiên cứu này phân tích hoạt động thương mại của Mỹ từ năm 2000, khi Bắc Kinh tham gia tổ chức Thương mại Thế giới WTO và bắt đầu mở cửa thị trường đến năm 2017, trước thềm nổ ra tranh chấp thương mại Mỹ Trung. Kết quả nghiên cứu chỉ ra hoạt động của các công ty đa quốc gia (MNE) tại Trung Quốc trong suốt 2 thập kỷ qua có khả năng gián tiếp làm xói mòn khả năng cạnh tranh công nghiệp và tiên phong công nghệ của Mỹ.

Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung nhấn mạnh khi các đại gia MNE Mỹ hoạt động tại Trung Quốc ngày càng tập trung vào sản xuất công nghệ tiên tiến, có nguy cơ tiềm tàng rằng chính các công ty Mỹ đang vô tình tạo điều kiện cho Trung Quốc đạt đến nhiều mục tiêu phát triển quân sự và công nghiệp riêng.

Khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang trên nhiều mặt trận, Washington đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc với các sản phẩm công nghệ Mỹ, đề phòng việc ứng dụng chúng cho mục đích quân sự. Nhưng nghiên cứu của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung đã chỉ ra rằng ngân sách các công ty Mỹ tại Trung Quốc chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D đã tăng 6 lần trong giai đoạn 2000-2017 lên 3,7 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc hiện là điểm đầu tư nghiên cứu và phát triển lớn thứ 4 trên toàn cầu của các doanh nghiệp Mỹ.

Báo cáo cũng cho hay tổng tài sản thương mại của các công ty Mỹ ở Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ chóng mặt: tăng 15 lần từ 29,3 tỷ USD năm 2000 lên 446,7 tỷ USD năm 2017. Doanh thu của các MNE Mỹ ở Trung Quốc cũng tăng 13 lần lên 375,6 tỷ USD trong cùng kỳ.

Các công ty Mỹ hiện đang cung cấp khoảng 1,7 triệu việc làm cho thị trường lao động Trung Quốc, tăng gấp 6 lần hồi năm 2000. Hoạt động sản xuất của Mỹ ở thị trường này chủ yếu tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao như máy tính, linh kiện điện tử, hóa chất. Chi phí lao động tương đối rẻ, chính sách ưu đãi của chính quyền trung ương và địa phương, thị trường dân số trung lưu với sức tiêu thụ mạnh mẽ…chính là những yếu tố hấp dẫn thu hút đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. 

Song song với hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các MNE Mỹ trên thị trường Trung Quốc là khả năng tiếp cận ngày càng sâu rộng của chính phủ Trung Quốc với công nghệ mới của Mỹ. Tức là vô hình chung, sự lan tỏa công nghệ từ Mỹ đang thúc đẩy sự phát triển quân sự của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio hôm 1/7 tuyên bố đang chuẩn bị cho một dự luật cấm các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ nếu các công ty này liên quan đến quân đội Trung Quốc, hoạt động gián điệp của Bắc Kinh hoặc các cáo buộc lạm dụng nhân quyền.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tháng qua cũng tăng cường thông điệp kêu gọi các công ty Mỹ rời thị trường Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 thổi bùng lên mối quan ngại về sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho hay Trung Quốc hiện vẫn là điểm đầu tư ưa thích vì tiềm năng thị trường khổng lồ. Nhưng sự bùng phát dịch Covid-19 vừa qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh khiến họ buộc phải cân nhắc khả năng đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục