Agribank miền Trung hiện thực hóa sứ mệnh “tam nông” trên dải đất miền Trung – Tây Nguyên
Bám sát mục tiêu "tam nông"
Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung hoạt động theo Quyết định số 234/QĐ-HĐQT-02 ngày 01/6/2001 với nhiệm vụ chính là quản lý 17 Chi nhánh trực thuộc gồm 6 Chi nhánh Bắc miền Trung: Quảng Bình, Bắc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nam Đà Nẵng; 5 Chi nhánh Nam miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; 6 Chi nhánh Tây Nguyên: Gia Lai, Đông Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bắc Đắk Lắk, Đắk Nông.
Ông Nguyễn Tiến Trường – Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung cho biết, với phương châm luôn "hướng về cơ sở" cùng các chi nhánh tháo gỡ, khắc phục những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhằm đem lại hiệu quả góp phần vào tiến trình phát triển của Agribank nói chung và các Chi nhánh Agribank khu vực miền Trung nói riêng.
Xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, Agribank nói chung, Agribank miền Trung và các chi nhánh trực thuộc nói riêng đã tích cực đưa nguồn vốn đến tận tay người người dân, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng nguồn vốn huy động toàn khu vực đến 31/12/2022 là 202.532 tỷ đồng, tăng 4.489 tỷ đồng (+2,3%) so với đầu tháng, tăng 14.364 tỷ đồng (+7,6%) so với đầu năm, (cùng kỳ năm 2021 tăng 20.080 tỷ đồng, +11,9%), đạt 93,7% kế hoạch tăng trưởng quý IV/2022 và 103,2% kế hoạch tăng trưởng năm 2022.
Tổng dư nợ toàn khu vực đến 31/12/2022 là 211.551 tỷ đồng, tăng 3.191 tỷ đồng (+1,5%) so đầu tháng, tăng 18.862 tỷ đồng (+9,8%) so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020 (+3,5%), 2021 (+2,4%), thấp hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2019 (-2,6%), đạt 96% kế hoạch tăng trưởng năm 2022.
Trong đó, dư nợ cho vay tăng trưởng tương đối đồng đều giữa hai khu vực: Khu vực duyên hải miền Trung đạt 132.091 tỷ đồng, tăng 2.037 tỷ đồng (+1,6%) so đầu tháng, tăng 12.006 tỷ đồng (+10%) so với đầu năm, đạt 98% kế hoạch tăng trưởng năm 2022; Khu vực Tây Nguyên đạt 79.460 tỷ đồng, tăng 1.155 tỷ đồng (+1,5%) so đầu tháng, tăng 6.856 tỷ đồng (+9,4%) so với đầu năm, đạt 92,7% kế hoạch tăng trưởng năm 2022.
Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 130.122 tỷ đồng, chiếm 61,5% tổng dư nợ, tăng 5.567 tỷ đồng (+4,5%) so với đầu năm, tăng 937 tỷ đồng (+0,7%) so với đầu tháng.
Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP: Toàn khu vực đạt 100.666 tỷ đồng, tăng 2.260 tỷ đồng (+2,3%) so với đầu năm, chiếm 47,6%/tổng dư nợ, trong đó chi nhánh có tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn cao như Bắc Quảng Bình (67,8%), Quảng Ngãi (74,1%), Bình Định (61,7%), Đắk Nông (71,6%), Đông Gia Lai (69,2%).
Có thể nói, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt được những kết quả bứt phá như trong thời gian qua không thể không kể đến vai trò cũng như sự đồng hành của Agribank.
Theo ông Trường, để có được thành quả như ngày hôm nay là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, người lao động Agribank qua các thời kỳ. Cùng với sự đồng hành của các tổ chức chính trị, xã hội đã hỗ trợ Agribank trong suốt chặng đường đã qua.
"Thời gian tới, Agribank sẽ bám sát định hướng phát triển của từng địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực "tam nông" giúp người nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập…", ông Nguyễn Tiến Trường – Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung cho hay.
Tiếp vốn cho người dân làm giàu
Được sự đồng hành và tiếp vốn có hiệu quả của Agribank, nhiều hộ dân ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã ăn nên làm ra, nhờ đó đã giúp cho hàng nghìn hộ dân thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu.
Đến thăm mô hình kinh tế trang trại vườn - ao - chuồng (VAC) của anh Nguyễn Văn Kiệt (51 tuổi, ở thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), được anh cho biết, xuất thân trong một gia đình thuần nông, ngoài mấy sào ruộng anh còn làm thêm các công việc tự do khác để kiếm sống, tuy nhiên thu nhập khá bấp bênh.
Năm 2003, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Agribank Chi nhánh thị xã Điện Bàn, cộng với số tiền tích góp được hơn 50 triệu đồng, anh quyết định xây dựng mô hình kinh tế trang trại làm bước đi khởi nghiệp cho gia đình mình.
Ban đầu, do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô khoảng 0,5ha, đến nay quy mô trang trại của anh đã mở rộng lên hơn 1,5ha. Với 2 ao nuôi cá (gồm cá trắm, chép, rô phi), hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn cá các loại, trung bình mỗi tấn có giá từ 25-30 triệu đồng (tùy vào loại cá), 3 chuồng nuôi gà, nuôi theo hình thức gối đầu (khoảng trên 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa), mỗi kg gà bán ra thị trường hiện nay có giá từ 40.000-45.000 đồng/kg, cùng đàn bò 3B hơn 100 con mỗi lứa.
"Gia đình tôi phất lên được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank, tôi rất biết ơn ngân hàng đã cho tôi vay vốn để phát triển kinh tế. Hiện nay, trang trại của tôi cho doanh thu khoảng 8-9 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm…", anh Kiệt phấn khởi nói.
Anh Kiệt đã gắn bó với Ngân hàng Agribank gần 20 năm nay, kể từ khi còn là một thanh niên luôn khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Mới đầu, từ vài chục triệu vốn vay của Ngân hàng Agribank, anh đã đầu tư nuôi gà, cá, đến nuôi bò. Rồi dần dần, làm ăn có lãi, anh đã sử dụng đồng vốn để xoay vòng phát triển sản xuất.
Còn tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Agribank, nhiều nông dân đã vững tin bám biển, phát triển nghề nuôi cá lồng bè đem lại thu nhập cao, nhiều hộ thu lãi cả tỷ đồng mỗi năm.
Trong đó, tiêu biểu phải kể đến hộ anh Huỳnh Ngọc Thảo với mô hình nuôi cá bớp; hộ anh Huỳnh Văn Nam với mô hình nuôi cá mú, tôm hùm. Nhờ đầu tư bài bản, có trọng điểm nên mô hình phát huy hiệu quả, các hộ điển hình trên thu lãi từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.
Chúng tôi cùng cán bộ ngân hàng đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên biển của hộ anh Huỳnh Ngọc Thảo (trú thôn Đông An Hải), anh Thảo cho biết, trước đây anh làm nghề đi biển, vợ buôn bán nhỏ kinh tế chỉ đủ sống qua ngày, chẳng dư dả bao nhiêu. Năm 2017, anh bắt đầu vay 300 triệu đồng của Ngân hàng Agribank Lý Sơn để xây dựng mô hình nuôi cá bớp làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.
Những năm đầu, do vốn ít nên anh chỉ đầu tư khoảng 30 lồng, do chưa có kinh nghiệm cùng với việc mưa bão thường xuyên, phải di chuyển lồng bè đến khu vực khác có môi trường không đảm bảo dẫn đến nhiều lồng cá bị chết, thua lỗ. Các năm sau, có năm vừa đủ vốn hoặc lãi ít, nhưng năm nay cá nuôi phát triển tốt và giá cao nên gia đình anh rất phấn khởi.
Anh Thảo cho biết thêm, vụ nuôi năm nay, gia đình anh vay Agribank Lý Sơn 2 tỷ đồng để thả nuôi 50 lồng cá bớp. Đến thời điểm này, anh đã xuất bán được 12 tấn cá, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên khoảng 20 tấn.
"Tính trung bình mỗi kg cá thương phẩm từ lúc nhỏ đến thu hoạch đầu tư hết 100.000 đồng thì mỗi con cá tôi bán ra với trọng lượng từ 5–6kg cũng lãi từ 400.000 – 500.000 đồng. Mỗi năm gia đình tôi có lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng", anh Thảo cho hay.
Không những làm kinh tế hiệu quả, mô hình nuôi cá bớp trên biển của anh Thảo còn giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.