Ấn Độ siết chặt phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt cần đề phòng

18/08/2021 11:02 GMT+7
Hiện tại, Ấn Độ là một trong các nước đang tăng cường hoạt động điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bị Ấn Độ tăng cường siết chặt biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, tới nay, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 2.006 trên tổng số 7.133 vụ việc. Qua đó, trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại.

Ấn Độ đã tiến hành điều tra gần 30 vụ việc đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra thuộc nhiều nhóm ngành hàng khác nhau như ván gỗ, sợi, thép, đồng, pin năng lượng mặt trời.

Ấn Độ siết chặt phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt cần đề phòng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên theo dõi thông tin từ các cơ quan chức năng của Ấn Độ. (Ảnh: Dân trí)

Hiện tại, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 10 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2015-2020, từ 2,4 tỷ USD năm 2015 lên 5,2 tỷ USD năm 2020. 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về các động thái vừa qua từ phía Ấn Độ, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng cục Phòng vệ thương mại cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ vừa qua tăng rất nhanh.

Cùng với đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nước này cũng gây khó khăn thêm cho nhiều ngành sản xuất. Do đó, các ngành sản xuất Ấn Độ phải đề nghị chính phủ tăng cường các biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ngoải ra, ông Lê Triệu Dũng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đã thoát khỏi một vụ việc phòng vệ thương mại vẫn có thể trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra mới nhằm đảm bảo hiệu quả của các biện pháp trước đây. Do đó, doanh nghiệp không thể lơ là, chủ quan và phải thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình.

Trước những biến động trên, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý theo dõi biến động về giá và lượng xuất khẩu của mặt hàng mà xuất khẩu sang Ấn Độ để có đánh giá kịp thời.

Theo đó, những mặt hàng có giá xuất khẩu cạnh tranh, lượng xuất khẩu tăng nhanh sẽ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thể thông qua đối tác nhập khẩu của mình tại Ấn Độ để nắm tình hình và dự báo trước khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại.

"Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc được Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra, Cục Phòng vệ thương mại đã luôn nêu rõ với doanh nghiệp, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác, hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ sử dụng các chứng cứ bất lợi sẵn có, làm căn cứ và cơ sở cho việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá do nguyên đơn đề xuất.

Việc bị áp thuế chống bán phá giá cao sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu Ấn Độ vào tay các đối thủ cạnh tranh Ấn Độ hoặc các quốc gia khác", đại diện Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục