Mỹ cam kết viện trợ vắc xin Covid-19: để bắt kịp chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc?

05/06/2021 18:19 GMT+7
Mỹ trong tuần này đã cam kết viện trợ ít nhất 80 triệu liều vắc xin cho toàn cầu vào cuối tháng 6 này, trong đó 7 triệu liều dành riêng cho Ấn Độ và một số khu vực của châu Á, những nơi đang bị càn quét bởi làn sóng tiếp theo của đại dịch.

“Động thái chia sẻ hàng triệu liều vắc xin của Mỹ với các quốc gia khác là một cam kết lớn của chính phủ Mỹ” - Nhà Trắng cho hay trong một phần kế hoạch chiến lược toàn cầu nhằm đánh bại đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua.

Trong số 25 triệu liều vắc xin viện trợ đầu tiên, khoảng 7 triệu liều được chuyển đến châu Á thông qua sáng kiến phân phối vắc xin COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới WHO khởi xướng. Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea và một số quốc gia khác là đối tượng tiếp nhận số vắc xin này.

Ít nhất 3/4 tổng số vắc xin mà Mỹ viện trợ sẽ được phân phối thông qua sáng kiến COVAX, trong đó ưu tiên khu vực Nam Á, Đông Nam Á. Khoảng 25% số vắc xin còn lại được chuyển trực tiếp đến các quốc gia có nhu cầu, chẳng hạn như Hàn Quốc - nơi Mỹ đã cam kết viện trợ hơn 500.000 liều vắc xin như một phần thỏa thuận hồi tháng 5 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Mỹ cam kết viện trợ vắc xin Covid-19: để bắt kịp chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Mỹ cam kết viện trợ 80 triệu liều vắc xin: có phải để bắt kịp chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc?

Mỹ hiện có hơn một nửa dân số đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều. Do đó, quốc gia này hiện đang gấp rút chia sẻ nguồn cung vắc xin dư thừa ra thế giới như một sự đối trọng lại chính sách ngoại giao vắc xin mà Trung Quốc đang theo đuổi lâu nay.

Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Biden, ông Jake Sullivan đã nhấn mạnh trong một phát biểu hôm 3/6: “Mỹ không tống tiền, không áp đặt các điều kiện như cách mà các quốc gia khác đang làm khi họ phân phối vắc xin ra toàn cầu”.

Tính đến đầu tháng 4 năm nay, có ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chấp thuận vắc xin Covid-19 Trung Quốc hoặc đồng ý mua các loại vắc xin này. Ngoài ra, có hơn 100 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã nhận được vật tư y tế hỗ trợ từ Trung Quốc, bao gồm khẩu trang, bác sĩ, chuyên gia y tế cùng nhiều loại hỗ trợ khác. Đa số các quốc gia nhận hỗ trợ là những nước nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng.

Theo Airfinity, một công ty của Anh chuyên cung cấp thông tin tình báo khoa học đời sống, tính đến cuối tháng 3, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 115 triệu liều vắc xin. Con số này vượt xa 63 triệu liều vắc xin mà Ấn Độ đã xuất khẩu, chủ yếu trong đó là vắc xin AstraZeneca mà Ấn Độ sản xuất theo giấy phép được cấp. Trong khi đó, cả EU chỉ xuất khẩu được 58 triệu liều vắc xin đến Anh, Nhật Bản và một số quốc gia khác.

Còn theo Nikkei Asian Review, tính đến đầu tháng 6, Trung Quốc đã viện trợ gần 22 triệu liều vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, trong đó bao gồm gần 14 triệu liều cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khoảng 6 triệu liều cho các nước châu Phi. Nước này cũng xuất khẩu 732 triệu liều vắc xin, bao gồm gần 291 triệu liều cho châu Á - Thái Bình Dương và hơn 281 triệu cho châu Mỹ Latinh.

Ở Phương Tây đã xuất hiện những nghi ngờ dai dẳng về mục đích địa chính trị của Trung Quốc đằng sau các lô hàng vắc xin Covid-19.

Nhà phân tích Ivana Karaskova, người sáng lập Tổ chức Quan sát Trung Quốc ở Trung và Đông Âu (CHOICE), cho biết: “Trung Quốc đang cố gắng thể hiện vị thế như một phần của giải pháp giải quyết đại dịch, chứ không phải nguồn cơn của đại dịch… Trong khi các nước phương Tây đang tích trữ vắc xin, thì Trung Quốc lại tìm cách lôi kéo các nước đang phát triển, tuyên bố rằng vắc xin là hàng hóa công cộng”.

Matthew Mingey, một nhà phân tích cấp cao thuộc nhóm Chính sách Vĩ mô Trung Quốc tại Rhodium Group cảnh báo rằng việc phụ thuộc vào nguồn cung vắc xin Covid-19 Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chẳng hạn, Trung Quốc gần đây đã vận động để các quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của nước này. Đồng thời Bắc Kinh cũng bắt đầu cung cấp Giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế và công bố kế hoạch đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc cho những công dân nước ngoài đã được tiêm vắc xin Covid-19 của Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục