Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 3 tuổi

05/06/2021 19:11 GMT+7
“Cùng một loại vắc xin, cùng một liều lượng và quy trình có thể được sử dụng cho trẻ em từ 3-17 tuổi tương tự như người lớn" - CEO Sinovac Yin Weidong cho hay.

Trung Quốc hôm 5/6 đã tuyên bố cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 do Sinovac phát triển cho đối tượng trẻ em từ 3 tuổi.

Như vậy, cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia lớn đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp một loại vắc xin Covid-19 cho đối tượng trẻ em dưới 3 tuổi. Một số quốc gia như Singapore hay một số bang của Mỹ cho đến nay mới chỉ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 3 tuổi - Ảnh 1.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 3 tuổi

Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh xuất hiện các báo cáo cho rằng trẻ em mắc Covid-19 có khả năng lây nhiễm như người lớn. Nó dựa trên một nghiên cứu thử nghiệm trong giai đoạn I và giai đoạn II của Sinovac rằng vắc xin Covid-19 do hãng này phát triển hoàn toàn an toàn và hiệu quả với trẻ em tương tự như đối tượng người lớn, theo CEO Sinovac Yin Weidong.

“Cùng một loại vắc xin, cùng một liều lượng và quy trình có thể được sử dụng cho trẻ em từ 3-17 tuổi tương tự như người lớn… Cơ quan y tế Trung Quốc sẽ triển khai việc tiêm vắc xin cho các nhóm tuổi khác nhau một cách có trình tự dựa trên diễn biến dịch bệnh cũng như cơ cấu dân số của Trung Quốc” - ông Yin Weidong cho hay.

Hiện vẫn chưa xác nhận khi nào nhóm tuổi này sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 ở Trung Quốc. 

Tổ chức Y tế Thế giới trong tuần trước đã phê duyệt sử dụng vắc xin của Sinovac trong các trường hợp khẩn cấp cho nhóm người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, vắc xin Covid-19 của Sinovac là dòng vắc xin thứ hai trên của Trung Quốc được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp. Dòng vắc xin trước đó là một trong hai loại vắc xin do Công ty TNHH Tập đoàn Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nghiên cứu và phát triển.

Cũng được WHO cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp là các dòng vắc xin của Pfizer và BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Moderna.

Khởi đầu với tốc độ tiêm chủng chậm chạp nhưng cho đến nay, Trung Quốc đang có một tốc độ tiêm chủng nhanh chưa từng có mà hầu hết các quốc gia trên thế giới khó có thể làm được: tận dụng tối đa sức mạnh và phạm vi toàn diện của hệ thống y tế cũng như ngành công nghiệp vắc xin nội địa của quốc gia tỷ dân. Cho dù việc phân bổ vắc xin được đánh giá là không đồng đều giữa các khu vực, các quan chức y tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiêm chủng khoảng 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân vào cuối năm nay.

Tính đến ngày 2/6, Trung Quốc đã thực hiện tiêm chủng 704 triệu liều vắc xin. Đáng kinh ngạc hơn, gần một nửa trong số đó được thực hiện trong tháng 5. Theo Our World in Data, một trang web nghiên cứu trực tuyến, tổng số mũi tiêm của Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba trong số 1,9 tỷ mũi tiêm đã được phân bố trên toàn cầu.

Trung Quốc thậm chí còn tập trung vào việc tiêm chủng cho công dân ở nước ngoài. Chẳng hạn, trong số vắc xin mà Trung Quốc tài trợ cho Thái Lan, một số lượng nhất định được sử dụng để tiêm cho công dân Trung Quốc ở Thái Lan trước khi người dân Thái Lan nhận được vắc xin. Trên toàn cầu, ước tính Trung Quốc đã tiêm chủng cho hơn 500.000 công dân ở  nước ngoài theo chương trình “Spring Sprout”.


NTTD
Cùng chuyên mục