Bắc Kinh tính chơi bài "cửa trên", triển vọng thỏa thuận Mỹ Trung ngày một ảm đạm

07/10/2019 19:32 GMT+7
Ngay trước thềm đàm phán thương mại diễn ra tại Washington, các quan chức Trung Quốc đang thể hiện những dấu hiệu “miễn cưỡng” trong thỏa thuận, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump bị Hạ viện Mỹ tuyên bố luận tội.
Bắc Kinh tính chơi bài "cửa trên", triển vọng thỏa thuận Mỹ Trung ngày một ảm đạm - Ảnh 1.

Trung Quốc tìm cách thu hẹp nội dung thỏa thuận Mỹ Trung khi Tổng thống Trump bị hạ viện Mỹ luận tội

Hôm Thứ Năm tuần trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc - người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đã tuyên bố trước các quan chức Bắc Kinh rằng ông sẽ mang đến Washington một bản dự thảo trong đó không bao gồm các cam kết cải cách cốt lõi liên quan đến chính sách công nghiệp hoặc trợ cấp chính phủ - điều mà phía Mỹ coi là trọng tâm đàm phán.

Như vậy, phái đoàn thương mại Trung Quốc đã thu hẹp các điều khoản thỏa thuận thương mại với Mỹ ngay trước thềm đàm phán diễn ra tại Washington. Quan trọng hơn, các điều khoản bị thu hẹp đều là những vấn đề cốt lõi mà Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần công kích, chỉ trích. Hành động của Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện.

Phát biểu được ông Lưu Hạc đưa ra giữa lúc cuộc điều tra luận tội Hạ viện Mỹ nhắm vào Tổng thống Donald Trump bước vào hồi căng thẳng. Một số dữ liệu kinh tế Mỹ giảm tốc trong tháng 9 cũng khiến các doanh nghiệp đổ lỗi cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung mà ông Trump khơi mào.

Các quan chức Nhà Trắng sau đó khẳng định vụ điều tra luận tội không có bất cứ ảnh hưởng nào với đàm phán thương mại Mỹ Trung. "Bất kỳ một nỗ lực thay đổi thỏa thuận nào khi Bắc Kinh cho rằng sức mạnh của ngài Trump trên bàn đàm phán đang suy yếu đều là tính toán sai lầm của Trung Quốc."

Bắc Kinh hiện chưa lên tiếng sau cảnh báo của Nhà Trắng. Chính phủ Trung Quốc hiện đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài 1 tuần, kết thúc vào 8/10. Sau đó, phái đoàn đàm phán Bắc Kinh sẽ bay sang Washington chuẩn bị cho vòng đàm phán kéo dài hai ngày từ 10-11/10.

Trong khi Tổng thống Trump gặp rắc rối với cáo buộc của Đảng Dân chủ về việc lợi dụng Chính phủ nước ngoài để hạ bệ ứng viên Tổng thống Joe Biden, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới; thì Trung Quốc cũng đang đau đầu vì khủng hoảng chính trị leo thang ở Hồng Kông. Nhưng rõ ràng, Trung Quốc đang tự cho mình vị thế "cửa trên" khi tuyên bố thu hẹp nội dung đàm phán thương mại.

Triển vọng thỏa thuận ảm đạm

David Dollar, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc nhận định rằng việc Bắc Kinh thu hẹp nội dung thảo luận là bằng chứng cho thấy cả hai bên đang giữ thái độ cứng rắn, không có dấu hiệu thỏa hiệp trước thỏa thuận.

"Mỹ và Trung Quốc có nhiều lý do để tiến tới một thỏa thuận tạm thời và tránh sự leo thang của thương chiến. Trung Quốc cần nhập khẩu nông sản và thịt lợn, điều giúp Trump xoa dịu nông dân Mỹ. Còn Trump thì cần một động thái an ủi thị trường để tránh nguy cơ suy thoái kinh tế vào năm 2020" - ông Dollar nói thêm.

Dù một thỏa thuận lúc này sẽ rất có lợi cho quá trình tranh cử nhiệm kỳ mới của ông Trump, thì vị Tổng thống Mỹ vẫn kiên trì tuyên bố ông muốn một thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc chứ không phải thỏa thuận một phần hay tạm thời.

"Mỹ đã có những khoảng thời gian giữ mối quan hệ tuyệt vời với Trung Quốc. Và Mỹ cũng có khoảng thời gian tồi tệ với nước này. Ngay bây giờ đây, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn cực kỳ quan trọng liên quan đến khả năng thực hiện một thỏa thuận Mỹ Trung. Nhưng quá trình đàm phán vô cùng khó khăn. Nếu thỏa thuận không tốt đẹp 100% với người Mỹ, chúng ta sẽ không thỏa thuận gì cả" - ông Trump tuyên bố hôm 4/10.

Bắc Kinh tính chơi bài "cửa trên", triển vọng thỏa thuận Mỹ Trung ngày một ảm đạm - Ảnh 3.

Tổng thống Trump tuyên bố chỉ chấp nhận một thỏa thuận Mỹ Trung toàn diện

Còn Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer thì tuyên bố sẽ không chấp thuận bất cứ đề nghị thỏa thuận nào của Trung Quốc mà không chứa điều khoản cải cách chính sách công nghiệp hay trợ cấp chính phủ. 

Theo quan điểm của Nhà Trắng, nội dung thảo luận sẽ chia làm 3 phần gồm các vấn đề xuất khẩu nông sản và năng lượng, các cam kết thay đổi luật pháp về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ như dự thảo thỏa thuận hồi tháng 5, cuối cùng là các vấn đề thuế quan. Tuy nhiên giờ đây, khi Trung Quốc tuyên bố không tham gia thảo luận về chính sách công nghiệp và trợ cấp chính phủ, đàm phán thương mại Mỹ Trung lại đứng trước nguy cơ đổ bể lần nữa.

Xung đột tồn đọng

Hồi tháng 4, khi đàm phán Mỹ Trung chưa đổ bể, Mỹ đã thảo một thỏa thuận dự thảo bao gồm một số cam kết từ Bắc Kinh như đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động thương mại quốc tế, dỡ bỏ trợ cấp chính phủ và các rào cản thương mại, từ bỏ chiến lược Made in China 2025 (kế hoạch có nội dung đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị nhiều ngành công nghiệp thế kỷ 21 như trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ vũ trụ…). Nhưng sau đó, Trung Quốc đã đưa ra một dự thảo khác hẳn những trao đổi ban đầu, khiến đàm phán đổ bể và Tổng thống Donald Trump tức giận tăng thuế từ 10% lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa.

Từ hồi cuối tháng 9 đến nay, dù Bắc Kinh và Washington có thể hiện một số cử chỉ thiện chí để tạo môi trường tích cực trước đàm phán, nhưng về cơ bản là các xung đột vẫn chưa được giải quyết. Và nếu không có bên nào chịu nhượng bộ hay thỏa hiệp, chiến tranh thương mại Mỹ Trung có thể mất rất nhiều năm nữa để đi đến hồi kết.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục