Mỹ chưa tính ngăn chặn công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch

29/09/2019 09:52 GMT+7
Mỹ hiện không có kế hoạch hủy niêm yết các công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch Mỹ, Bloomberg đưa tin hôm 28/9, trích lời một quan chức Bộ Tài chính.

Washington chưa tính hất công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch Mỹ

Quan chức Kho bạc: Mỹ chưa tính loại công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch "vào thời điểm này"  - Ảnh 1.

Cổ phiếu hàng loạt đại công ty Trung Quốc như Alibaba, JD.com đã tụt dốc hôm 27/9 sau thông tin hủy niêm yết

"Washington không dự tính ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ tại thời điểm này" - Bà Monica Crowley, phát ngôn viên kho bạc Mỹ khẳng định với Bloomberg.

Bình luận được đưa ra chỉ một ngày sau khi nguồn tin của Bloomberg cho hay Washington đang tiến hành các cuộc thảo luận về vấn đề ngăn chặn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư. Nguyên nhân lớn nhất khiến Tổng thống Donald Trump "bật đèn xanh" cho những cuộc thảo luận như vậy là do sự thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc, điều mà nhà đầu tư Mỹ đã khiếu nại từ lâu. 

"Hạn chế dòng vốn đầu tư vào các công ty Trung Quốc có nghĩa là bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi những rủi ro quá mức do thiếu các cơ chế giám sát" - CNBC trích lời nguồn tin thân cận. Điều mà CNBC đề cập đến ở đây là việc cơ chế báo cáo tài chính của Trung Quốc không cùng tiêu chuẩn với Mỹ, khiến các nhà đầu tư Mỹ không thể đánh giá chính xác rủi ro quản trị doanh nghiệp khi đổ vốn, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ gian lận báo cáo.

Cũng theo Bloomberg, hủy niêm yết các công ty Trung Quốc như Alibaba, JD.com khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ là một phần trong nỗ lực chặn dòng đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tin tức được tiết lộ đúng thời điểm nhạy cảm khi đàm phán thương mại Mỹ Trung sắp tái khởi động vào 10/10 tới đây. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được cho là sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại tới Washington để giải quyết các tranh chấp thương mại kéo dài hơn một năm nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nguy cơ hạn chế đầu tư vẫn tiềm tàng

Quan chức Kho bạc: Mỹ chưa tính loại công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch "vào thời điểm này"  - Ảnh 2.

Không loại trừ khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ cân nhắc hủy niêm yết công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch Mỹ nếu xung đột tiếp tục leo thang

Thực tế, tiết lộ từ bà Monica Crowley chỉ làm yên lòng thị trường trong ngắn hạn, cho thấy Mỹ chưa có ý định hủy niêm yết các công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch Mỹ "tại thời điểm này" - tức trước vòng đàm phán Mỹ Trung. Không một ai chắc chắn trong tương lai, một khi xung đột Mỹ Trung tiếp tục leo thang, Tổng thống Donald Trump sẽ không cân nhắc một động thái như vậy.

Stephen Roach, nhà phân tích cấp cao từ Đại học Yale, đồng thời là cựu chủ tịch của Morgan Stanley khu vực Châu Á nhận định: "Quyền tự do truy cập vào các thị trường quốc tế là đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu hội nhập, đặc biệt là với Trung Quốc - nơi vốn được dự đoán là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong nửa đầu thế kỷ 21". 

Ông Stephen Roach còn nhắc tới hiệp định đầu tư song phương 10 năm vốn đã được Mỹ và Trung Quốc đàm phán trong nỗ lực mở cửa thị trường tỷ dân ngay trước khi thương chiến khơi mào.

"Hai nền kinh tế đã từng có mối quan hệ tốt đẹp, nhưng giờ đây mối quan hệ ấy đang đình trệ" - ông Roach nhận định. "Mỹ có hiệp định đầu tư song phương với 42 quốc gia. Còn Trung Quốc có 145 hiệp định như vậy. Đầu tư tự do là con đường đúng đắn nhất để tăng cường sự mở rộng xuyên biên giới của các tập đoàn đa quốc gia. Tôi quan ngại rằng nếu các quan chức thúc đẩy hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, Mỹ có thể đang đi sai hướng". 

Cũng trong hôm 28/9, một khảo sát do Đại học Michigan công bố đã chỉ ra đa số người tiêu dùng được hỏi cho rằng chính sách thương mại là yếu tố tiêu cực quan trọng làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

"Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu, Châu Âu đối diện với nguy cơ suy thoái còn kinh tế Nhật Bản và Đông Á giảm tốc nghiêm trọng, thì người tiêu dùng Mỹ với chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ là "mỏ neo" duy nhất giữ cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng. Nhưng doanh nghiệp Mỹ là yếu tố quan trọng tác động đến người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp thắt chặt đầu tư vốn, ngừng đưa ra những phương án tuyển dụng thì thị trường lao động sẽ gặp rắc rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ví tiền người tiêu dùng. Khi đó, động lực duy nhất khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng sẽ biến mất". 

"Các nhà đàm phán càng duy trì lập trường cứng rắn, thị trường lao động và tiêu dùng của Mỹ càng tồi tệ hơn" - ông Roach nhận định.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục