Bài 1: Nông dân “đánh cược” tài sản cho từng mùa vụ
Tuy nhiên, tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, đặc biệt với người nông dân. Làm sao để thúc đẩy phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại đất nước mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như Việt Nam là câu hỏi mà nhóm phóng viên Báo QĐND Điện tử góp tìm lời giải đáp trong vệt bài: “Bảo hiểm rủi ro cho người nông dân-Việc không thể chậm trễ”.
Trắng tay vì thiên tai, dịch bệnh
Theo nghiên cứu, chuỗi số liệu tăng trưởng GDP, tỷ lệ tăng sản phẩm nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông sản từ những năm đầu đổi mới đến nay cho thấy, nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế nước ta trước biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm nông nghiệp mang bản sắc riêng của các tiểu vùng sinh thái đất thấp, đồi núi, cao nguyên và ven biển. Những số liệu thống kê cũng cho thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước nhà không ngừng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong quá trình phát triển nông nghiệp, người nông dân Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tình trạng “mất trắng” do thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu hay “được mùa mất giá” vẫn còn đeo bám người nông dân ở nhiều vùng, miền trên cả nước.
Tháng 10-2020, bão chồng bão, lũ chồng lũ liên tiếp ập xuống các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, mà còn đặt những người nông dân ở đây rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Không những nhà cửa bị tàn phá nặng nề, hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu, diện tích canh tác thủy, hải sản, vật nuôi cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi...
Vừa dọn dẹp lại căn nhà bị đổ sập sau mưa lũ, ông Nguyễn Tiến Hinh, thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngậm ngùi: Đợt lũ vừa rồi thực sự khủng khiếp. Trâu bò, lợn, gà, tài sản trong nhà bị hư hỏng và cuốn hết theo dòng nước lũ. Hàng trăm tấn lúa của bà con trong thôn chưa kịp bán giờ đã nảy mầm, khó khăn chồng chất.
Thực tế cơn lũ lịch sử xảy ra ở tỉnh Quảng Bình vừa qua cho thấy, dù đã có sự chuẩn bị trước do nằm trong vùng địa lý gánh chịu thiên tai hằng năm, nhưng cả người dân và chính quyền đều hết sức bất ngờ trước diễn biến bất thường của thời tiết. Chỉ trong một đêm, hàng nghìn hộ dân của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, thuộc tỉnh Quảng Bình trở nên trắng tay và “tái nghèo”.
Chị Nguyễn Thị Phượng, thôn Đông Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, gia đình vừa vay ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư mua thóc giống, chưa kịp làm gì thì cơn lũ tới, cuốn đi mọi thứ. Giờ đây tương lai là cả một gánh nặng. Bản thân chị chưa bao giờ nghĩ tới mua bảo hiểm nông nghiệp, nên khi rủi ro xảy ra, chị chỉ biết hy vọng vào sự hỗ trợ của chính quyền.
Với một người làm ăn lớn như chị Phượng còn chưa bao giờ tiếp cận với chương trình bảo hiểm nông nghiệp, thì nông dân như chị Phạm Thị Chiến, thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, khái niệm bảo hiểm nông nghiệp là một điều gì đó rất xa lạ. Gần 100 con gà và 2 con trâu là tài sản có giá trị nhất của gia đình cũng theo dòng nước lũ mà trôi đi, chưa kể khoản nợ của gia đình khi xây căn nhà mái bằng chưa biết đến bao giờ mới có thể trả được. Thiên tai quá bất ngờ, chị Chiến không thể... bắt đền ai, chỉ biết khóc...
Thống kê mới nhất tại tỉnh Quảng Nam, riêng cơn bão số 9 xảy ra từ ngày 27-10 đến ngày 29-10 đã khiến hàng nghìn hộ nông dân rơi vào cảnh trắng tay sau bão lũ, 521ha lúa bị thiệt hại, 2.058ha hoa màu ngập úng, hư hại, 2,4 triệu cây hoa, cây cảnh bị thiệt hại hơn 50%, 25 tấn lương thực bị trôi, hư hỏng. Bên cạnh đó 285 con gia súc và 89.667 con gia cầm bị chết. Sau bão lũ, tài sản cả đời chắt góp, lam lũ của người nông dân bị mẹ thiên nhiên nuốt chửng, họ rơi vào cảnh bần cùng cố nông, lại thiếu vốn, thiếu phương tiện kiếm kế sinh nhai…
Câu chuyện “mất trắng” sau bão lũ không phải là câu chuyện mới với người nông dân. Trong một báo cáo của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) năm 2018, thiên tai gây thiệt hại hàng tỷ đô la Mỹ cho ngành nông nghiệp, mỗi năm thiên tai đang gây tổn thất rất lớn về tài chính cho nông dân ở các nước đang phát triển, trong đó hạn hán đang trở thành loại hình nghiêm trọng nhất trong số một loạt mối đe dọa, bao gồm cả lũ lụt, cháy rừng, bão, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, tràn hóa chất và thủy triều đỏ.
Tại Việt Nam, theo thống kê, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với ngành nông nghiệp trung bình năm trong giai đoạn 1995-2007 là 781.74 tỷ đồng tương đương 54,9 triệu đô la Mỹ. Thiệt hại do thiên tai trung bình năm đối với sản xuất nông nghiệp chiếm 0,67% giá trị GDP ngành, trong khi tổng thiệt hại tất cả các ngành chiếm 1,24%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ lớn hơn so với nhiều nước trong khu vực. Người nông dân cũng vì thế phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho kinh tế nông nghiệp.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các dịch bệnh trong gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gà H5N1 cũng khiến nông dân điêu đứng. Từ tháng 2-2019, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và lây lan trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại rất lớn. Cuối năm 2019, bệnh dịch này đã xảy ra tại 8.553 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy gần 5,95 triệu con; tổng trọng lượng hơn 340.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.
Theo thống kê của Cục Thú y, từ ngày 1-1-2020 đến 31-8-2020, cả nước xảy ra 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi (bao gồm 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020), 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát tại 248 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 43.150 con, tổng trọng lượng khoảng 2.157 tấn. Nhiều hộ dân khóc ròng khi nhìn từng đàn lợn, cũng là toàn bộ vốn liếng của gia đình bị tiêu hủy...
Nghịch cảnh “được mùa mất giá”
Phải đương đầu với thiên tai, dịch bệnh, nhưng nỗi lo của người nông dân chưa dừng ở đó. Câu chuyện “được mùa mất giá”, giải cứu nông sản, giải cứu thủy sản vẫn xảy ra như “cơm bữa” khiến người nông dân Việt Nam, dù được mùa cũng không thể vui. Tình trạng được mùa mất giá của nhiều mặt hàng nông sản liên tục diễn ra không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp nói chung mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn người nông dân.
Hồi tháng 7 vừa qua, gia anh Nguyễn Văn Dương, thôn 3, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có 60 gốc nhãn, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 8-10 tấn quả, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Năm nay, do thời tiết thuận lợi cùng với việc chăm sóc đúng quy trình nên vườn nhãn của gia đình anh dự tính thu hoạch khoảng 15 tấn nhãn, tuy nhiên giá nhãn lại quá rẻ.
Anh Dương chia sẻ: Những năm trước, khi quả nhãn chỉ bằng đầu ngón tay là các thương lái đã tìm đến đặt mua cả vườn. Nhưng năm nay, vườn nhãn nào cũng sai trĩu quả, lượng hàng nhiều nên không thương lái nào dám mua cả vườn vì sợ lỗ. Do đó, giá nhãn bị hạ thấp, không đủ trả tiền thuê nhân công.
Nhớ lại thời điểm tháng 3 và 4-2015, cộng đồng xã hội rộ lên phong trào giải cứu dưa hấu cho bà con miền Trung các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vì giá “rớt thảm” chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Hay thời điểm giữa tháng 3-2017, nông dân Hưng Yên, Hải Dương đứng ngồi không yên khi cánh đồng cà chua chín đỏ ruộng mà không có người thu hái. Giá cà chua chạm đáy 500 đồng/kg, nhiều người bỏ ruộng, không chăm bẵm, không thu hoạch vì mức giá quá rẻ, thậm chí còn phá ruộng cà chua để tính trồng cây khác. Hay ngay như trong năm 2020, trái thanh long đang vào mùa thu hoạch chính, cũng là lúc dịch Covid-19 tái bùng phát và mưa lũ dồn dập ở Trung Quốc làm ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ loại trái cây này. Tỉnh Tiền Giang đã phải hai lần phát động “giải cứu” trái thanh long.
Trong lĩnh vực chăn nuôi thủy, hải sản, câu chuyện cũng không tươi sáng hơn khi trong năm 2020, do việc xuất khẩu nông sản, thủy hải sản qua biên giới Trung Quốc bị chững lại từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá hàu, ngao tại Vân Đồn (Quảng Ninh) giảm mạnh. Người dân nuôi trồng thủy hải sản Vân Đồn như ngồi “trên lửa”, vì đa phần các hộ đều vay tiền ngân hàng. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ hiệu quả hơn trong việc “giải cứu” nông sản, thủy hải sản nuôi trồng, hàng ngàn hộ dân ở Vân Đồn, cũng như địa bàn Quảng Ninh sẽ lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ nặng.
Câu chuyện “được mùa, mất giá” đối với nhiều mặt hàng nông sản đã được đem ra mổ xẻ, tìm hiểu nguyên nhân và một trong những lý do chính là từ hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu kế hoạch, thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân sản xuất ra không biết mình sẽ bán sản phẩm đi đâu. Hầu hết tất cả vẫn dựa theo kinh nghiệm, thói quen. Dường như năm nào vấn đề "giải cứu" cũng được đặt ra ở khắp các vùng sản xuất, chuyên canh của đất nước. Có lẽ người nông dân cũng bắt đầu quá quen thuộc với cụm từ "giải cứu".
Vừa phải đối mặt với khó khăn của thiên tai, dịch bệnh đến khi được mùa lại rơi vào thảm cảnh mất giá, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp là thực sự cần thiết, góp phần giúp người nông dân yên tâm lao động, sản xuất.
Riêng trong tháng 9 và 10-2020, do tính chất phức tạp, khốc liệt của thiên tai, thời tiết khó lường, đặc biệt là mưa lũ với cường độ rất lớn, tập trung kéo dài nhiều ngày, vượt quá mức dự báo, cảnh báo nên đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong cả nước. Hơn 49.930 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 25,6 triệu cây giống trong vườn ươm bị gãy, chết; tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là 149.000 ha; 42.700 con gia súc và hơn 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi.