Bảo đảm cân đối cung cầu nguồn thịt lợn trước dịch tả lợn châu Phi

20/03/2019 17:00 GMT+7
Trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước không có dịch như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ... để đảm bảo nguồn cung.

Nguồn cung thịt lợn tại Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo ổn định.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tính đến nay tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm.

Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn.

Cùng với đó, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn chủ động triển khai các phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn với mặt hàng thịt lợn tại thị trường trong nước.

Đặc biệt, Vụ Thị trường trong nước đã liên kết với lực lượng quản lý thị trường địa phương và các đơn vị chức năng để tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá...

Hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt lợn tương đối dồi dào nên sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, để cung cấp thêm thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương khuyến cáo tới người tiêu dùng không nên hoang mang trong sử dụng thịt lợn trong điều kiện dịch bệnh, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.

Trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt lợn nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Do vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn) để kịp thời có phương án chỉ đạo, hỗ trợ nhập khẩu bù đắp nguồn cung trong trường hợp bị thiếu do dịch bệnh.

Mặt khác, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tăng cường tuyên truyền, đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi lợn, tránh những tâm lý tiêu cực gây bất ổn thị trường thực phẩm.

Qua theo dõi, từ ngày 1/2 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 18 tỉnh và chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên dịch bệnh đang có chiều hướng lan đến phía Nam do đã có 2 tỉnh miền Trung có dịch (Nghệ An, Huế).

Từ thời điểm có những lo ngại về dịch bệnh (tháng 9/2018), Bộ Công Thương vẫn luôn theo dõi sát diễn biến và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung và kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước đã tham dự các cuộc họp về triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam và các đoàn kiểm tra ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội.

Ngoài ra, Vụ cũng bố trí các buổi diễn tập ứng phó ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tại Lào Cai; phối hợp xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đáng lưu ý, Vụ Thị trường trong nước đã chủ động có Công văn số 7567/BCT-TTTN ngày 19 tháng 9 năm 2018 chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để chủ động có phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn về thị trường trong nước.

Hơn nữa, Vụ Thị trường trong nước chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, đặc biệt là từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi để thống nhất giải pháp kiểm soát nhập khẩu với các bộ, ngành liên quan nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương và các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ; phối hợp với lực lượng liên quan (hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch thú y...) tổ chức giám sát chặt chẽ việc hoạt động nhập khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với các tỉnh có chung đường biên giới./.

 

Uyên Hương
Cùng chuyên mục