Báo Trung: Dịch virus Corona đang dồn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc vào "cửa tử"
Tom Wang, chủ sở hữu một nhà máy giày dép ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post rằng ông lo ngại nếu dịch bệnh không được kiểm soát sớm, các khách hàng nước ngoài có thể tìm đến những nhà sản xuất ở các nước khác thay vì Trung Quốc.
Khảo sát của SCMP cho thấy đa số các cửa hàng, nhà hàng và nhà máy sản xuất nhỏ cho biết họ chỉ có thể cầm cự trong 2-3 tháng trước khi buộc phải đóng cửa vĩnh viễn nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát trong tháng 3 hoặc tháng 4. Hiện tại, chính quyền 21/31 tỉnh thành của Trung Quốc đã khuyến nghị đóng cửa mọi nhà máy, trung tâm mua sắm, doanh nghiệp, trường học… ít nhất đến hết ngày 9/2 nhằm ngăn chặn sự lây lan virus Corona.
Tại Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất của Trung Quốc, các chủ doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn với bài toán chi phí gia tăng do thuế quan trừng phạt từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Giờ đây, áp lực còn nặng nề hơn nhiều lần do dịch virus Corona làm đình trệ sản xuất kinh doanh.
“Tác động của virus Corona chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với đại dịch SARS hồi năm 2003, nhất là với các nhà máy, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc” - ông Tom Wang nhận định. Hồi tuần trước, Tổ chức Y Tế Thế giới WHO đã tuyên bố dịch virus Corona là một trong những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Liu Kaiming, nhà quản lý Viện quan sát đương đại, chuyên nghiên cứu điều kiện làm việc của hàng trăm nhà máy trên khắp Trung Quốc, mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng dịch virus Corona bùng phát có thể sẽ trở thành đòn chí mạng với nhiều doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 2, tác động đến ngành sản xuất có thể sẽ trong tầm kiểm soát. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 3, nhiều đối tác thương mại có thể chuyển sang tìm kiếm nguồn cung ở các quốc gia khác. Chuỗi cung ứng đã bắt đầu thay đổi trong vài năm qua do chiến tranh thương mại. Giờ đây, dịch virus Corona có thể sẽ tạo thêm những động lực cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này”.
Ftech, một nhà cung cấp phụ tùng cho các cơ sở sản xuất xe hơi của Honda tại Trung Quốc đang lên kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất phanh từ Vũ Hán - tâm điểm của dịch virus Corona sang Philippines, theo thông tin từ tờ Nikkei Asian Review. “Nếu dịch virus Corona tiếp tục kéo dài, sẽ có thêm nhiều công ty hành động như Ftech” - tờ Nikkei nhận định.
Hiện Honda có 3 cơ sở sản xuất đặt tại Vũ Hán, tất cả đều đang trong tình trạng ngừng hoạt động cho đến ít nhất ngày 10/2. Nhiều nhà sản xuất thiết bị con chip, bán dẫn có cơ sở tại Vũ Hán cũng đang trong tình trạng đình trệ tương tự.
“Chính quyền phải hành động để hỗ trợ các công ty sản xuất nhỏ” - ông Peng Peng, phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu cải cách Quảng Đông, một nhóm chuyên gia cố vấn cho biết. Nhiều công ty dịch vụ và nhà hàng có thể sẽ không cầm cự được quá 2 tháng trong điều kiện hiện tại”.
Hơn 20.000 nhân viên của Xibei - một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc cũng đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài vì virus Corona, theo Chủ tịch Xibei Jiia Guolong. Xibei hiện có 400 cửa hàng tại hơn 60 thành phố trên toàn Trung Quốc, gần như tất cả đều đang trong tình trạng đóng cửa tạm ngừng hoạt động. Tình hình dịch bệnh đã khiến doanh thu của XIbei giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, trích lời chủ tịch Jia Guolong. “Chúng tôi phải trả 156 triệu NDT (khoảng 22,3 triệu (USD) mỗi tháng tiền lương nhân viên. Dòng tiền hiện tại cho phép chúng tôi duy trì tình trạng ngừng hoạt động trong khoảng 3 tháng. Nếu tình hình hiện tại tiếp diễn đến tháng 4, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài sa thải người lao động.”