Bắt dân "gánh" lãi vay cho nhà máy nước mặt sông Đuống: Ai đang "bảo kê" cho Shark Liên?

13/11/2019 18:21 GMT+7
Thông tin về việc người dân phải gánh lãi vay ngân hàng cho nhà máy nước mặt sông Đuống khiến dư luận bức xúc. TS. Vũ Đình Ánh cho rằng dự án nhà máy nước mặt sông Đuống là dạng "tay không bắt giặc" và rất rủi ro. Tại sao Shark Liên quyết định làm? Có hay không việc bảo kê cho doanh nghiệp này?

Tại sao người dân phải trả lãi ngân hàng cho dự án "tay không bắt giặc"?

Theo ông Nguyễn Việt Hà, giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, giá bán sỉ nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn là vì công nghệ nhà máy khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau.  Đặc biệt, ông Hà cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. “Theo báo cáo của công ty CP nước mặt sông Đuống, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước”, ông Hà nói thêm.

 
Bắt dân "gánh" lãi vay cho nhà máy nước mặt sông Đuống: Ai đang "bảo kê" cho Shark Liên? - Ảnh 1.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội, giá nước sông Đuống cao là do chi phí đầu tư và vay lãi cao.

Cũng theo ông Hà, nghị định 117 quy định giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối nước sạch để đơn vị cấp nước duy trì và phát triển.

Cần phải nói rõ, tại thời điểm Hà Nội ban hành văn bản văn bản số 3310/UBND-KT là năm 2017, đây là thời điểm dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trong khi để tính đúng, tính đủ giá nước thì dự án phải đi vào hoạt động, được quyết toán. Để giải quyết vấn đề nhà máy nước mặt sông Đuống chưa quyết toán nhưng vẫn cấp nước, ông Hà cho biết Sở Tài chính đã tổ chức hiệp thương thông qua mức giá bán buôn của Nhà máy nước mặt Sông Đuống thời gian tới là 7.700 đồng/m3.

Sau quyết toán, kiểm toán để xác định chi phí chính thức, từ đó mới xác định giá bán chính thức của nhà máy nước này. Tuy nhiên, do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2... cho rằng mức tạm tính tối đa 10.246 đồng/m3 là quá cao, các đơn vị này không có khả năng chi trả.

Theo đó, vào ngày 27/12/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng - công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty nước mặt sông Đuống có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho hai đơn vị là 7.700 đồng/m3.

Theo đó, với mức giá bán cho hai đơn vị này liên ngành TP Hà Nội lên phương án đề xuất cấp bù lỗ và cũng bù lỗ cho Công ty CP Nước mặt sông Đuống.

Tại tờ trình này, liên ngành đề nghị UBND TP. Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỉ đồng, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỉ đồng và bù cho Công ty CP Nước mặt sông Đuống khoảng 43 tỉ đồng. Tổng số tiền Hà Nội phải bù lỗ khi mua nước nhà máy nước mặt sông Đuống lên tới gần 200 tỷ đồng.

Trước những kiến nghị của liên ngành, ngày 9/1/2019, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành.

“Cam kết khó hiểu của TP.Hà Nội”

Bình luận xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần xem lại cách làm này của UBND TP. Hà Nội. “Việc doanh nghiệp đầu tư cái gì, công nghệ ra sao, họ phải đi vay lãi cao, thậm chí họ đưa ra mức giá cao đó là vấn đề của người kinh doanh. Nhưng tại sao UBND TP. Hà Nội nhất định phải mua hàng hóa, cụ thể ở đây là nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống, để rồi chấp nhận phải bù lỗ?”, ông Ánh đặt câu hỏi.

Bắt dân "gánh" lãi vay cho nhà máy nước mặt sông Đuống: Ai đang "bảo kê" cho Shark Liên? - Ảnh 3.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, việc Hà Nội mua nước giá cao từ nhà máy sông Đuống là việc rất khó hiểu.

Theo ông Ánh, doanh nghiệp khi đầu tư dự án phải có đủ lực tài chính, việc đi vay tới 80% vốn, sau đó để người dân phải gánh lãi vay ngân hàng cho dự án “tay không bắt giặc” là điều khó chấp nhận.

“Tại sao người dân phải chịu trả lãi cho dự án "tay không bắt giặc"? Doanh nghiệp đầu tư cao rồi bán đắt, nếu khách hàng không mua sẽ dẫn đến thua lỗ, thậm chí là phá sản. Những rủi ro này chắc chắn doanh nghiệp đã tính đến, vậy lý do gì Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn quyết đầu tư làm dự án? Phải chăng doanh nghiệp này đang được “bảo kê’’?”, ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, có vẻ như Hà Nội đã cam kết với nhà máy nước mặt sông Đuống, dù giá đắt thế nào sẽ được bán ra. “Hà Nội đã chấp nhận bù lỗ để mua nước sông Đuống. Mà bù lỗ thì Hà Nội lấy tiền đâu ở đâu? Cam kết này rất khó hiểu!”

“Đầu tư dự án như Shark Liên thì anh xe ôm cũng làm được”

Bình luận xung quanh câu chuyện này, luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc Công ty CP Nước mặt sông Đuống đầu tư gần 5.000 tỷ đồng cho dự án, nhưng đi vay lãi gần 4.000 tỷ và chi phí lãi được tính vào giá nước là khó chấp nhận.

“Tiền lãi này doanh nghiệp phải chịu, tại sao lại tính vào giá thành hàng hóa để người dân phải trả? Đầu tư dự án như Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) thì nói thật đến anh xe ôm cũng làm được, chứ không cần phải là tập đoàn lớn!”, ông Ứng nhấn mạnh.

Theo ông Ứng, việc đầu tư 5.000 tỷ mà đi vay lãi 4.000 tỷ đồng cho thấy Công ty CP Nước mặt sông Đuống không có khả năng tài chính để làm dự án. Nói về vốn vay, ông Ứng cho rằng, việc kêu gọi vốn đầu tư ngành nước còn dễ hơn với bất động sản.

Thứ nhất việc thành lập dự án làm nước sạch rất dễ kêu gọi vì đầu ra ổn định, nước sạch thì nhà ai cũng phải cần, thiếu gạo thì có thể ăn thứ khác để bù, hay không đi du lịch tháng này thì có thể để tháng sau, nhưng mất nước là cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Thứ hai, bán nước thường được bán độc quyền. Thứ ba, giá nước trong tương lai chỉ có tăng lên chứ không giảm.

“Đặc biệt, dự án này được TP. Hà Nội đứng đằng sau phê duyệt. Vì vậy, rủi ro về đầu tư ngành gần như không có, theo đó việc kêu gọi vốn vay làm dự án nước sạch không hề khó khăn và chắc chắn bất kỳ doanh nghiệp nào trình dự án cũng được các ngân hàng chấp thuận. Vì vậy, việc doanh nghiệp này đầu tư 5 đồng mà đi vay tới 4 đồng cho thấy họ không có tiềm lực về kinh tế để làm dự án”, ông Ứng nói.

Bày tỏ về ý kiến về việc TP. Hà Nội đang chi ngân sách để bù hàng trăm tỷ đồng vì mua nước giá cao của nhà máy nước mặt sông Đuống, theo ông Ứng việc này rất khó chấp nhận. “Tại sao chỉ cho một Nhà máy nước mặt sông Đuống làm mà không để nhiều doanh nghiệp khác cùng làm? Tại sao không công khai dự án để các doanh nghiệp khác cùng đấu thầu? Nếu doanh nghiệp không có đủ tài chính, không làm cho giá thành sản phẩm thấp xuống được thì để doanh nghiệp khác thực hiện. Tại sao phải mua hàng hóa doanh nghiệp này để rồi phải bỏ tiền bù lỗ?”, ông Ứng nói.

Hà Nội quyết giá buôn cho nhà máy nước mặt sông Đuống là sai thẩm quyền?!

Trao đổi về việc Hà Nội quyết giá bán buôn cho nhà máy nước sông Đuống, ông Ứng cho rằng, việc này là sai thẩm quyền, sai quy định. Theo ông Ứng, tại Nghị định 117 năm 2007, nhà nước chỉ quy định giá bán lẻ, còn việc giá bán buôn sẽ do các bên tự thỏa thuận.

Bắt dân "gánh" lãi vay cho nhà máy nước mặt sông Đuống: Ai đang "bảo kê" cho Shark Liên? - Ảnh 4.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, việc Hà Nội quyết giá buôn cho nhà máy nước sông Đuống là sai nguyên tắc

Ngoài ra, cũng theo Nghị định này, giá bán buôn nước sạch không được vượt hơn giá bán lẻ hiện hành. Trong khi đó, giá bán buôn của Nhà máy nước mặt Sông Đuống được UBND TP Hà Nội quy định là 10.246 đồng/m3, còn giá bán lẻ là 7.700 đồng/m3.

“Việc Hà Nội mua giá nước sông Đuống giá cao, sau đó lại áp giá buôn cho hai công ty nước rồi lại lấy ngân sách bù lỗ là cách điều hành thụt lùi, lòng vòng! Cách làm này chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Nếu tình trạng này cứ diễn ra thì hai công kia sẽ không bao giờ lớn được và làm thất thoát ngân sách”, ông Ứng nói.

Ông Ứng cũng cho rằng, nếu hai công ty kia không có dấu hiệu phát triển, Hà Nội phải bù lỗ thì nên giải thể. “Kinh doanh không có lãi thì nên giải thể. Việc Hà Nội chi trả, bù lỗ số tiền lớn một bộ máy cồng kềnh thế này là khó chấp nhận. Giải thể các công ty làm ăn không có lãi, lấy số tiền nuôi các công ty đó để bù lỗ cho Nhà máy nước mặt sông Đuống thì sẽ hợp lý hơn”, ông Ứng nhấn mạnh.

Ong Lý
Cùng chuyên mục