Shark Liên lần đầu lên tiếng về việc "Hà Nội ưu ái với nhà máy nước mặt sông Đuống"
Bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch Công ty CP nước mặt Sông Đuống - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12/11 quanh câu chuyện có hay không việc Hà Nội ưu ái đối với Công ty CP nước mặt Sông Đuống.
Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) nói:
- Mức giá 10.246 đồng/m3 là do Hà Nội tạm tính để chúng tôi có điều kiện thực hiện vay ngân hàng. Thực tế chúng tôi đang bán buôn, đâu bán trực tiếp cho người dân. Chúng tôi bán 10.000 đồng/m3 cho công ty nước, công ty nước bán lại cho dân với giá bán bao nhiêu đó là chuyện của đơn vị bán lẻ!
* Giá 10.246 đồng/m3 của Công ty CP nước mặt Sông Đuống cao hơn các nhà máy khác. Tại sao lại như vậy?
- Đây là dự án đầu tư lớn, số vốn vay cũng rất lớn. Nếu dự án không minh bạch, không ngân hàng nào bỏ tiền cho vay. Nếu không đủ điều kiện, ngân hàng không bao giờ cho vay, giải ngân và giải ngân theo tiến độ dự án, chứ không phải đưa một lúc mấy nghìn tỉ cho nhà đầu tư muốn làm gì thì làm. Thậm chí chúng tôi mời cả Kiểm toán Nhà nước vào vì tôi cũng muốn nhanh để còn lấy tiền trả cho ngân hàng chứ. Tôi rất cần Kiểm toán Nhà nước vào.
Nếu so sánh với Nhà máy nước Sông Đà là rất khập khiễng vì Nhà máy nước Sông Đà đã đi vào khai thác được hơn 10 năm, với tổng mức đầu tư thấp hơn và đã khấu hao hết nên họ có lợi nhuận và giá bán thấp hơn Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Hơn nữa, dự án của chúng tôi là mới, công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng robot, tự ngắt, tự súc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người.
Ví dụ có ai đó đổ dầu tại sông Đuống sẽ không bao giờ có mùi dầu ra được bên ngoài. Tôi cam kết và đảm bảo nước uống được tại vòi, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai. Ngoài ra, đường ống Nhà máy nước mặt Sông Đuống kéo dài hàng trăm kilômet, đi qua ra 3 con sông, tốn rất nhiều tiền. Tóm lại, giá 10.246 đồng/m3 là giá TP.Hà Nội thỏa thuận để chúng tôi đầu tư, nếu không làm sao chúng tôi dám đầu tư lớn đến gần 5.000 tỉ đồng.
* Như vậy, người dân Hà Nội phải "cõng" thêm lãi vay đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống khi mua nước của nhà máy này?
- TP Hà Nội mua giá hơn 10.000 đồng/m3, nếu bán cho người dân giá hơn 5.000 đồng/m3, Hà Nội phải bù cho người dân thì ở đây là người dân hưởng. Hà Nội tạm tính cho chúng tôi hơn 10.000 đồng/m3 là đã tính tất cả các chi phí, chỉ cho chúng tôi lợi nhuận chút ít để trả lãi cộng với vận hành nhà máy. Tuy nhiên, do chưa có kiểm toán nên Hà Nội đề nghị chúng tôi tạm nhận giá 7.700 đồng/m3 đến khi có quyết toán tổng mức đầu tư, nhưng thực tế hiện mới tạm thanh toán cho chúng tôi giá gần 3.000 đồng/m3.
Kinh doanh đương nhiên có lợi nhuận để duy trì công ty hoạt động. Khi Hà Nội định ra giá tạm tính 10.246 đồng, chúng tôi có lợi nhuận chứ không phải không có, nhưng lợi nhuận vừa đủ để chúng tôi cảm thấy vui vẻ. Tôi cũng nói với lãnh đạo TP Hà Nội là do được mời gọi đầu tư, chúng tôi mới làm. Do đó, TP cần phải nói rõ để người dân không hiểu lầm Công ty CP nước mặt Sông Đuống, chúng tôi đang có công mà lại như là tội đồ.