Bất động sản mùa dịch Covid-19: Kẻ bán tháo cắt lỗ, người ung dung chờ đáy

24/08/2020 10:14 GMT+7
Những khó khăn chung của thị trường và thông tin bán tháo diễn ra ồ ạt đã khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý đợi chờ khi thị trường "chạm đáy".

Bán tháo nhà vì cạn tiền thanh toán

Covid-19 tái bùng phát khiến những người trong cuộc tỏ ra lo lắng. Mặc dù các số liệu thống kê đều cho thấy thị trường có những dấu hiệu phục hồi tích cực, song đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng khó lường đến thị trường này.

Với những trường hợp mua nhà, căn hộ trả góp hoặc thanh toán theo tiến độ từ trước khi Covid-19 xảy ra, rất nhiều người đang khổ sở vì không xoay kịp tiền để thanh toán cho chủ đầu tư theo kỳ hạn hay trả góp gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng.

Bất động sản mùa dịch Covid-19: Kẻ bán tháo cắt lỗ, người ung dung chờ đáy - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản xuất hiện một số thông tin về bán tháo cắt lỗ. Ảnh: T.T

Đang làm đơn xin thanh lý hợp đồng để nhận lại tiền ký hợp đồng mua nhà, chị Lê Thị Thảo, khách hàng của một doanh nghiệp đang triển khai dự án tại quận Thủ Đức (TP HCM) phân trần, Covid-19 đã khiến công ty nơi chị làm việc khó khăn, đơn hàng ít, thu nhập giảm, chị không kham nổi tiền nhà, nên đành rao bán lại, nhưng chưa có ai mua, dù giá chỉ ngang bằng thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư.

“Không còn thu nhập ổn định, ngân hàng không tiếp tục giải ngân cho vay để đóng tiền mua nhà, trong khi chỉ còn 2 kỳ thanh toán theo tiến độ là chủ đầu tư bàn giao nhà. Xoay đủ cách vẫn không có tiền”, chị Thảo nói.

Còn đại diện chủ đầu tư cho biết, hơn một tháng nay, doanh nghiệp phải xử lý nhiều trường hợp xin thanh lý hợp đồng. “Một số khách hàng bị mất khả năng thanh toán đã chấp nhận mất tiền cọc hoặc chịu phí phạt để trả nhà và nhận lại một phần tiền đã đóng”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói. Vị này cho biết, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều cách để hỗ trợ khách hàng, nhưng kết quả chỉ được một vài khách hàng đồng ý, số còn lại không đủ khả năng xoay xở, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh, dòng tiền, chi phí triển khai dự án của chủ đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản khá trầm lắng, giao dịch mua bán nhà giảm khoảng 70%, doanh thu giảm 80%, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng tiền và thanh khoản.

Theo ông Châu, tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà hiện chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, ông Châu khẳng định, hiện tượng bán tháo của một số cá nhân chưa thể hiện xu hướng chung của thị trường lúc này.

Tương tự, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, Covid-19 tái bùng phát ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt là những nhà đầu cơ, buộc họ phải bán sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Quang đánh giá, bất động sản chưa giảm giá mạnh. “Ví dụ, chủ nhà rao bán giá không giảm, nhưng nếu gặp khách thiện chí muốn mua thì có thể chủ động giảm 1 - 2%. Giá nhà, đất không giảm, nhưng nhà đầu tư có thể chi trả phí môi giới cao hơn”, ông Quang phân tích.

Có tâm lý chờ “bắt đáy”

Theo khảo sát của trang tin Batdongsan.com.vn, lượng tin đăng và mức độ quan tâm ghi nhận biến động giảm của thị trường bất động sản trong những ngày cuối tháng 7 và từ đầu tháng 8 đến nay giảm mạnh.

Tại Hà Nội, lượng tin đăng tăng 1% so với tháng trước, nhưng mức độ quan tâm giảm 4%, giảm nhiều nhất ở phân khúc nhà biệt thự, liền kề. Còn tại TP HCM, lượng tin đăng tăng 5%, nhưng mức độ quan tâm giảm 7% so với tháng trước. Khu vực quận 2, quận 7 vẫn nhận được sự quan tâm nhiều nhất của thị trường. Đà Nẵng - tâm dịch của cả nước, có sự sụt giảm độ quan tâm cao nhất, tới 20%.

Có thể thấy, những khó khăn chung của thị trường và thông tin bán tháo diễn ra ồ ạt đã khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý đợi chờ khi thị trường "chạm đáy". Tuy nhiên, việc bắt được đáy hay không, không phải nhà đầu tư nào cũng làm được.

Theo phân tích của ông Trần Khánh Quang, dò đáy thị trường luôn là bài toán hóc búa. Đáp án rõ ràng nhất chỉ có thể chờ đến khi kết thúc chu kỳ khủng hoảng mới có đầy đủ cơ sở xác định giá đáy. Hiện nay, thị trường địa ốc có bị đánh giá là khủng hoảng hay không và đâu là điểm bắt đầu của chu kỳ suy thoái vẫn là dấu hỏi lớn.

Thực tế, tâm lý “bắt đáy” đã xuất hiện ngay ở thời điểm thị trường bất động sản đình trệ khi xuất hiện Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại ghi nhận chiều hướng ngược lại, đó là mức giá không giảm. Cụ thể, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm, mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, do tác động của dịch bệnh, thị trường bất động sản thời gian qua đã chậm lại, nhưng giá bán không vì thế mà điều chỉnh giảm, bởi giá bán còn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường, vào các yếu tố đầu vào cấu thành sản phẩm.

Năm 2022, giá bất động sản sẽ lên “đỉnh”

Giá bất động sản trong năm nay chưa thể lên “đỉnh”. Lý do là, 7 tháng đầu năm, giá bất động sản vẫn giảm 0,87%, trong khi giá USD tăng 0,24%, giá vàng tăng 21%. Thị trường vàng đang hút vốn từ các thị trường khác. Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng tính theo giá thực tế chỉ tăng 3,4%, nếu loại trừ yếu tố giá thì không tăng, thậm chí giảm; thương mại bán lẻ tính theo giá thực tế giảm 0,4%...

Từ thực tế đó, có thể dự báo, giá bất động sản năm nay chưa thể đạt “đỉnh”, song nhiều khả năng cũng không tiếp tục giảm, mà tăng nhẹ, nhất là tại các tỉnh phía Nam, các vùng có dự án đầu tư lớn của Nhà nước, của các nhà đầu tư nước ngoài.

Giá bất động sản sẽ lên “đỉnh” vào khoảng năm 2022, khi giá vàng vượt qua đỉnh mới, khi đầu tư trong nước tăng mạnh thông qua khởi nghiệp, mở rộng sản xuất - kinh doanh, làn sóng FDI mới…

Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục