"Bắt mạch" đà nhảy cóc của cổ phiếu LIC trong 1 tháng, đưa thị giá từ 19.500 đồng lên mức đỉnh 146.700 đồng/cp
Những lý do đẩy giá cổ phiếu LIC tăng cao trong thời gian qua có thể đến từ câu chuyện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ cấu cổ đông LIC cho thấy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước hiện đang sở hữu 40,71% vốn điều lệ của LIC.
Hiện, LIC đang nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn năm 2021 của SCIC. Kỳ vọng định giá lại tài sản (gồm nhiều bất động sản) đã khiến giới đầu tư đổ mạnh vào LIC, đẩy giá cổ phiếu "bay cao".
Một trong những quỹ đất đáng chú ý của LIC có thể kể đến Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội) có quy mô 351.422 m2, tương đương 35,1ha với quy mô dân số 9.000 người. Tại thời điểm này, giá đất xung quanh dự án Thịnh Liệt được rao bán lên tới cả 100 triệu đồng/m2, từ đây không ít nhà đầu tư đã kỳ vọng về nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho Tổng Công ty khi dự án Thịnh Liệt được hoàn thành.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND thành phố chấp thuận giao Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649 ngày 17/9/2007.
Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2011. Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc: giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư CT5 phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự.
Tuy nhiên sau 10 năm, dự án vẫn chỉ là cánh đồng hoang, cỏ dại mọc um tùm. Phần lớn diện tích dự án đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng vẫn “đắp chiếu“.
Một trong những nguyên nhân khiến dự án dậm chân là do công tác giải phóng mặt bằng tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt có nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc triển khai tái định cư chậm trễ khiến người dân rơi vào cảnh đi không được, ở không xong.
Bên cạnh dự án Thịnh Liệt có quỹ đất lớn thì LIC cũng đầu tư vào dự án xây dựng công trình trụ sở Licogi (Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng; dự án xây dựng tòa nhà Licogi (Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại bản báo cáo bạch LIC cho biết, doanh nghiệp còn đang quản lý sử dụng 4.712m2 (đất dự án) tại xã Phước Tân, Đồng Nai; 238.018 m2 (đất dự án) tại Dự án KĐT mới Nam Ga Hạ Long, Quản Ninh; 275.672 m2 (đất dự án) Dự án Khu dân cư đô thị Yên Thanh, Uông Bí, Quảng Ninh..
Báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của LIC còn ghi nhận các giao dịch liên quan đến quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng của lô đất khu 2 có diện tích 14.333 m2 tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Được biết, LIC đang có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất này từ đất nông nghiệp sang phân lô bán nền nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chưa kể đến một số bất động sản đầu tư được LIC mua chờ tăng giá để bán, trong đó có 2 căn hộ tại số 81/6 Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, TP. HCM và một căn hộ tại ngõ 91 đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thêm một chi tiết đáng chú ý nữa về tiềm lực của LIC, là việc sở hữu hệ thống công ty con và công ty liên kết trải dài, tập trung vào hai ngành nghề chính là xây dựng và kinh doanh bất động sản. Đáng kể trong đó, LIC đang sở hữu tới 25,94% vốn điều lệ của CTCP Licogi 14 (HNX: L14) – cổ phiếu đang có thị giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh của LIC trong quý 3/2021 có sự khởi sắc khi báo lãi hơn 54 tỷ đồng, bù lỗ cho hai quý đầu năm kinh doanh không mấy tích cực. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, LIC đạt 1.364 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,7% so cùng kỳ năm trước và 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ, tăng 42% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2020.
Vệc kinh doanh khởi sắc trong quý 3 cũng một phần khiến mức tăng phi mã của cổ phiếu LIC được "thấu hiểu" đôi chút.
Tuy nhiên, sau chuỗi ngày thăng hoa, bước sang tháng 12, cổ phiếu LIC "lau sản" 3 phiên liên tiếp, đẩy thị giá từ ngưỡng 146.700 đồng/cp về còn 111.400 đồng/cp khi chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 3/12).