Bình Định bứt tốc xây dựng nông thôn mới
Thành quả bất ngờ
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bình Định, Thủ tướng giao cho tỉnh này đến năm 2020 có 61 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thế nhưng sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2020 tỉnh này đã có 86 xã công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 71,07%.
Trong 35 xã xây dựng NTM còn lại có 13 xã đã đạt từ 15-18 tiêu chí, 21 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chỉ có 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đến tháng 3/2021, số tiêu chí bình quân các xã xây dựng NTM đạt được là 17,3 tiêu chí, vượt chỉ tiêu so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Định đến năm 2020 đạt 16,7 tiêu chí/xã.
Điều đặc biệt, Bình Định đã có 4/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; riêng huyện Tuy Phước, UBND tỉnh đã trình Bộ NNPTNT xem xét thẩm định và trình Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh Bình Định cũng có những bước tiến vượt bậc. Nếu vào năm 2010, thu nhập bình quân của người dân tỉnh này chỉ 11,5 triệu đồng/người/năm thì mới đến năm 2018 đã đạt 28,5 triệu đồng/người/năm. Chỉ trong vòng 8 năm, từ năm 2010 đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Định cũng đã giảm từ 16,31% xuống còn 7,05%.
Bộ mặt nông thôn của Bình Định hiện đã có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại.
Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khu vực nông thôn đạt 94,7%.
Tính đến nay, Bình Định đã có 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, với tổng chiều dài 1.505km; đường trục thôn, xóm được bê tông đạt 96,3%, với tổng chiều dài 2.208km; đường ngõ, xóm bê tông và cứng hóa không lầy lội đạt 93,9%, với tổng chiều dài 2.320km. Hệ thống lưới điện trung ấp, hạ áp đã được đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho người dân khu vực nông thôn.
Thay đổi bộ mặt nông thôn
Theo UBND tỉnh Bình Định, xây dựng NTM ở tỉnh này đạt được những kết quả trên là nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh; của các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao.
Quá trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, thu hút họ chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển dần sang chủ động, tích cực tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi rộng khắp cả tỉnh.
Theo đó, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được chú trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: "Đến nay, chúng tôi có thể khẳng định Bình Định đã hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 do Trung ương giao".
Giai đoạn 2021-2025, Bình Định sẽ phấn đấu đạt các chỉ tiêu về địa phương đạt chuẩn NTM huyện, xã; địa phương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; số tiêu chí đạt chuẩn theo quy định của Trung ương. Trong giai đoạn này sẽ có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn. Nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 7/11 huyện, thị xã, thành phố, chiếm tỷ lệ 63,63%.
Cấp xã có 90% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Đặc biệt sẽ không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, trong thời gian tới, Bình Định sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn.
Trong đó, cần có chính sách đột phá ưu tiên hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
"Đặc biệt đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Trong đó tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, ngành nghề nông thôn…", ông Tuấn Thanh cho hay.