Bình Định: Nhờ cách làm hay trên đất cát, xuất hiện nhiều nông dân triệu phú

24/05/2021 06:45 GMT+7
Vốn là vùng đất cát cằn cõi, thường xuyên thiếu nước, thế nhưng nông dân ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã chọn nhiều cách làm hay để khắc phục điểm yếu, trồng các loại cây phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Đổi mới cách làm trên đất thiếu nước

Là vùng đất thường xuyên thiếu nước sản xuất, nên nông dân thôn Vinh Kiên (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) sớm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, 45ha đất lúa ở đây nhanh chóng được chuyển từ sản xuất 3 vụ sang còn 2 vụ lúa/năm và đã cho thấy hiệu quả thiết thực.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh - Bí thư chi bộ thôn Vinh Kiên, phong trào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa mới vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, xây dựng những vườn cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao đã đổi đời người dân ở đây.

Thời điểm còn làm 3 vụ lúa/năm, mỗi năm bà con thu được khoảng 700kg lúa/3 vụ. Khi chuyển sang làm 2 vụ/năm, sản lượng lúa cả năm thậm chí lại đạt cao hơn (trên 800 kg/năm).

Bình Định: Nhờ cách làm hay trên đất cát, xuất hiện nhiều nông dân triệu phú - Ảnh 1.

Sau khi cải tạo vườn tạp, hiện ở thôn Vinh Kiên, xã Cát Hanh, đã có nhiều vườn bưởi da xanh cho quả.

Ví như vụ đông xuân 2020 - 2021, mỗi sào lúa bà con thu được hơn 400kg. Thành quả này nhờ sử dụng các giống lúa mới cho năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Sản xuất 2 vụ năng suất lúa đã tăng cao mà bà con lại có nhiều thời gian nông nhàn để đi làm công ty, hoặc đan mây tại nhà kiếm thêm thu nhập.

12ha đất soi ven sông La Tinh bà con trồng đậu phộng, bắp, rau màu các loại cho hiệu quả cao gấp mấy lần làm lúa.

Theo lãnh đạo UBND xã Cát Hanh, hiện xã có 700ha đất sản xuất lúa, 360ha đất sản xuất mì (sắn), 420ha đất sản xuất đậu phộng, 60ha đất sản xuất bắp (ngô) và khoảng 200ha đất sản xuất rau màu các loại.

Cách đây hơn 10 năm, những diện tích trồng lúa ở địa phương này đã rục rịch chuyển đổi sản xuất từ 3 sang 2 vụ lúa/năm, thế nhưng phong trào mới chỉ manh mún.

Từ năm 2019 trở lại đây, phong trào chuyển đổi mùa vụ mới thật sự mạnh mẽ. Trong năm 2019, xã Cát Hanh chuyển được 235ha, sang năm 2020 diện tích chuyển đổi tăng lên 580ha.

Bình Định: Nhờ cách làm hay trên đất cát, xuất hiện nhiều nông dân triệu phú - Ảnh 2.

Vườn xoài đang độ thu hoạch ở xã Cát Hanh trĩu trái.

"Khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở xã Cát Hanh là thiếu nước tưới. Trên địa bàn xã có 3 hồ chứa nhỏ, hồ Hóc Cau chỉ có dung tích chứa 12,6 triệu khối nước, hồ Bờ Sề có dung tích chứa 10,6 triệu khối và hồ Hóc Chợ còn nhỏ hơn nữa.

Cả 3 hồ chứa nói trên chỉ có năng lực tưới cho 150 cây trồng của toàn xã, cuối vụ hè thu năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước tưới, bà con phải bơm tát để cây trồng.

Nhờ có nước của hồ Hội Sơn nằm trên địa bàn xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) nên có 620ha sản xuất nông nghiệp của xã Cát Hanh được hưởng nước từ hồ này", lãnh đạo xã Cát Hanh chia sẻ.

Trước thực trạng trên, công cuộc chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang còn 2 vụ/năm là rất phù hợp trong điều kiện thiếu nước tưới.

Ngoài ra, xuất phát từ thực tế thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, trong năm 2020, nông dân xã này đã chuyển gần 83ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn cho hiệu quả rất cao. Trong đó có 25,6ha chuyển sang trồng đậu phộng, 20,4ha chuyển sang trồng ớt, 15ha chuyển sang trồng dưa hấu và rau màu các loại.

Những "triệu phú"… trồng xoài trên cát

Còn tại thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) vốn là vùng đất mênh mông cát trắng, nhiều loại cây trồng khó có thể sống nổi bởi thổ nhưỡng khắc nghiệt.

Sau khi có được 2ha đất sản xuất, ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958), đã phá hết những cây dừa còi cọc và trồng thay vào đó cây xoài. Giống xoài cát Hòa Lộc được ông Trưởng phòng NNPTNT huyện Phù Cát khi ấy đích thân vào tận miền Nam mua để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.

Khởi nghiệp, ông Dũng trồng thử nghiệm 100 cây xoài, diện tích còn lại trồng mì (sắn) để lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, vùng đất này lúc đó chưa có điện nên chưa thể đóng giếng, ông Dũng phải đào lỗ lấy nước mạch, múc từng gàu tưới cho từng cây xoài.

Đến quãng cuối thập niên 90 (thế kỷ 20), UBND xã Cát Hanh mới kéo điện lưới quốc gia về Tân Hóa Nam, đến lúc ấy xoài trồng ở đây mới được "ăn" nước no đủ.

Bình Định: Nhờ cách làm hay trên đất cát, xuất hiện nhiều nông dân triệu phú - Ảnh 3.

Nông dân ở xã Cát Hanh có mức thu nhập ổn định nhờ vào cây xoài.

"Lúc tôi mới lên đây trồng xoài người dân địa phương cho tôi là "thằng liều mạng", mang tiền chôn xuống cát. Không ngờ cây xoài lại chịu đất cát nên phát triển ổn định, tuy nhiên vẫn cho hiệu quả chưa cao. 

Khi ấy tôi chưa biết thâm canh, cứ mặc cây cho trời đất nên trồng 100 cây xoài mà chỉ mấy chục cây cho quả, năng suất lại thấp. Thêm vào đó, quả xoài chưa có đầu ra, mỗi vụ thu hoạch tôi phải chở bằng xe máy xuống tận Quy Nhơn bán. Khi nhận thấy người tiêu dùng ưa chuộng xoài của vườn nhà tôi nên thương lái mới tìm đến tận nơi thu mua", ông Dũng nhớ lại.

May mắn là giống xoài lấy từ miền Nam, nhưng trồng trên đất này quả lại đẹp và ngọt, ngon hơn xoài trồng ở miền Nam nên càng về sau này xoài trồng ở Tân Hóa Nam đầu ra càng rộng mở.

Hiện, trong vườn nhà ông Dũng có 170 cây xoài đã 20 năm tuổi và 180 cây được 10 năm tuổi.

Về kỹ thuật trồng xoài, nông dân Nguyễn Văn Dũng cho rằng, sau mỗi vụ thu hoạch, vườn xoài cần được cắt tỉa cành để chúng phát triển. Cây nào cành dày cần cắt bỏ bớt, những cành vượt cũng vậy, cắt từ đọt để cây bắn đọt mới, vụ sau xoài sẽ ra hoa nhiều hơn. Cắt tỉa cành là cách để cây xoài được "trẻ hóa", cây sẽ cho quả vừa to vừa đẹp.

Giống xoài cát Hòa Lộc có ưu điểm là ra hoa nhiều đợt nên nếu hư lứa hoa này, còn lứa hoa khác bù vào nên chủ nhà vườn "không sợ mất trắng". Bón phân cho xoài cũng phải tiết chế, sử dụng phân hóa học rất ít, 1 gốc chỉ bón 1-1,5kg phân NPK 20-20-15/năm, chủ yếu bón phân chuồng, phân hữu cơ.

Bình Định: Nhờ cách làm hay trên đất cát, xuất hiện nhiều nông dân triệu phú - Ảnh 4.

Bọc xoài để bảo vệ trước sự tấn công của sâu bệnh.

Thuốc BVTV cũng chỉ sử dụng hạn chế, dùng khi xoài ra hoa để phòng bệnh thán thư và bọ trĩ.

Ngoài ra, xoài 5-6 năm tuổi đã bắt đầu cho quả nhiều, đến thời điểm 10 năm tuổi là xoài cho quả rộ.

Nếu thâm canh tốt, mỗi cây xoài có thể cho 150 quả/cây, mỗi quả có trọng lượng khoảng 7 lạng. Năm nay xoài được giá. Nếu mọi năm, vào đầu vụ xoài loại 1 chỉ có 15.000 đồng/kg, năm nay đầu vụ xoài loại 1 đã có giá 21.000-22.000 đồng/kg.

Trong khi đó, nông Nguyễn Ngọc (SN 1955) cũng trồng đến 4ha xoài. Hiện ông Ngọc đang sở hữu 800 gốc xoài, trong đó có hơn 300 gốc đã được 20 năm tuổi và gần 500 gốc được 12 năm tuổi.

"Ban đầu tôi chỉ trồng hơn 300 cây, sau này thấy xoài cho hiệu quả cao nên tôi trồng thêm. Đến nay trên 4ha đất đã có 800 gốc xoài tươi tốt. Giống xoài cát Hòa Lộc rất mẫn cảm với thời tiết nên cần phải canh tác thâm canh mới mong có năng suất cao, chứ nếu trồng rồi giao cho trời thất bại là cầm chắc", ông Ngọc nói.

Theo kinh nghiệm của chủ nhà vườn Nguyễn Ngọc, nếu cây xoài được bón nhiều phân hóa học thì sẽ cho quả có màu xanh tái, không vừa mắt người tiêu dùng. Trong khi đó, quả xoài phải to, có màu vàng nhạt thì việc tiêu thụ mới dễ dàng.

Ông Ngọc tiết lộ bí quyết chăm sóc xoài: "Sau khi xoài cho quả khoảng 50 ngày, tôi tiến hành bọc quả để ngăn ruồi và sâu đục quả. Hơn nữa, quả xoài được bọc, ánh nắng mặt trời không tác động trực tiếp vào quả làm xoài mất màu. 1 bao bọc quả tôi mua 650 đồng, bọc được 3 vụ, không tốn bao nhiêu tiền nhưng có nhiều cái lợi". 

"Theo đó, xoài được bọc quả khi thu hoạch phẩm cấp xoài loại 1 sẽ đạt đến 70-80%, nếu không bọc thì phẩm cấp xoài loại 1 chỉ còn 30-40%, chủ nhà vườn sẽ thất thu vì chênh lệch giá giữa phẩm cấp xoài loại 1 và loại 2 rất lớn", ông Ngọc cho biết thêm.

ông Nguyễn Ngọc cho biết, với 800 gốc xoài, năm nay ông ước tính sẽ thu hoạch được trên 40 tấn quả. Hiện xoài loại 1 thương lái đến tận vườn mua với giá 22.000 đồng/kg, xoài loại 2 mua 12.000 đồng/kg, bình quân giá xoài khoảng 15.000 đồng/kg.

Bình Định: Nhờ cách làm hay trên đất cát, xuất hiện nhiều nông dân triệu phú - Ảnh 5.

Xoài hợp với vùng đất cát Cát Hanh, cho quả đạt chất lượng rất tốt.

Với hơn 40 tấn xoài, ông Ngọc ước tính thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Trừ các loại chi phí từ thuê công tỉa cành, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mất khoảng 100 triệu đồng/ha thì còn lãi ròng được 500 triệu đồng/4ha.

Vùng xoài Tân Hóa Nam đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhìn đâu cũng thấy những cây xoài ra chi chít quả. Năng suất xoài năm nay đạt khá, khoảng 10 tấn/ha. 

Để quảng cáo độ ngon của xoài cát trồng trên đất cát, chủ nhà vườn Nguyễn Ngọc mời chúng tôi dùng thử mấy quả xoài chín, quả thật thơm ngọt không chê vào đâu được. 

Theo ông Phan Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm cán bộ khuyến nông xã Cát Hanh, ban đầu, xoài trồng ở đây cho năng suất thấp là do các chủ nhà vườn chưa biết kỹ thuật thâm canh. Thời kỳ xoài tơ chưa cho quả, cây xoài nên được tưới đủ độ ẩm, nhất là trong mùa khô để cây phát triển nhanh, khỏe, mau cho quả. Đến khi xoài trưởng thành, cho thu hoạch, cần tưới nước đầy đủ sau khi thu hoạch để kích thích cây ra đọt non tập trung.

"Đặc biệt, trong giai đoạn kích thích ra hoa, xoài cần được tưới nước thường xuyên để cây ra hoa tốt. Sau khi xoài đậu trái, cần quay lại chế độ tưới đủ ẩm để giúp trái phát triển nhanh. Ngoài ra, kỹ thuật bón phân, quản lý tán cây và bao trái cũng phải được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để xoài cho năng suất, chất lượng cao", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cát Hanh cho biết,  địa phương có khoảng 100ha xoài được trồng tập trung tại thôn Tân Hóa Nam, trong đó có 85ha đang trong thời kỳ kinh doanh được đăng ký nhãn hiệu "Xoài cát Phù Cát". 

"Chúng tôi chỉ tính bình quân 1ha cho năng suất 8 tấn/ha, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, chủ nhà vườn đã lãi ròng 135 triệu đồng/ha/vụ. Hiện ở thôn Tân Hóa Nam có 20ha xoài đã được cấp chứng nhận VietGAP, đang đề nghị cấp chứng nhận OCOP và 20ha xoài khác đang tiếp tục đề nghị chứng nhận VietGap", ông Thanh nói.


Thăng Bình
Cùng chuyên mục