Bộ Công Thương đang xem xét đề xuất tăng giá điện của EVN

01/12/2022 21:00 GMT+7
Bộ Công Thương cùng các bộ ngành đang rà soát theo đề xuất của EVN về các chi phí đầu vào, nhưng mức tăng giá điện thế nào cần phải trên cơ sở thực tế để đề xuất các cấp có thẩm quyền.

Bên lề họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay giá đầu vào sản xuất điện cả Việt Nam và trên thế giới tăng khá cao, theo đó sẽ ảnh hưởng đến giá thành điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm lỗ hơn 16.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. Theo đó, EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định 24/2017 của Thủ tướng.

Bộ Công Thương cũng thực hiện theo đúng nội dung tại quyết định này và đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát theo đề xuất của EVN để thực hiện đúng nội dung của Quyết định 24 của Thủ tướng. Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải không cung cấp thêm thông tin cụ thể về thời gian xem xét.

Trong 10 tháng đầu năm, EVN cho biết kết quả không mấy khả quan khi ghi nhận mức lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết giá mua điện thị trường dự kiến tăng khoảng 39% so với giá bán điện bình quân của đơn vị. Do đó, nếu vẫn giữ giá bán điện theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, ngành điện khó bù đắp khoản chi phí lỗ.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), một doanh nghiệp thuộc EVN, giá mua trên thị trường điện của doanh nghiệp hiện là 2.500,46 đồng một kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân ước cả năm 2022 của doanh nghiệp này là 1.786 đồng một kWh, tức họ đang phải "bù lỗ" hơn 710 đồng mỗi kWh bán ra.

Ông Phan Tử Lượng, Phó tổng giám đốc EVNNPC, nói 2022 là năm khó khăn nhất từ khi thành lập. Nửa đầu năm nay, EVNNPC lỗ 4.709 tỷ đồng, trong đó lỗ từ sản xuất kinh doanh điện là 4.843 tỷ.

Theo ông Lượng, việc phải chịu khoản lỗ lớn dự kiến khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khó khăn, khó đảm bảo tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, cũng như cho các nhà thầu và đối tác.

"Việc không thu xếp được vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho các địa phương và các khách hàng tại 27 tỉnh, thành phía Bắc", ông Lượng cho biết và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp.



A.Vũ
Cùng chuyên mục