Bộ GTVT nêu lý do 3 lần chuyển trạm BOT Thái Nguyên – Chợ Mới

Vinh Hải Thứ ba, ngày 11/04/2017 06:30 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đưa ra giải pháp thu phí ở những trạm BOT có vị trí bất cập như trạm BOT trên đường QL3 cũ hoàn vốn cho tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới.
Bình luận 0

img

Trạm thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới trên đường BOT đang được hoàn thiện đưa vào hoạt động 

Trạm thu phí BOT hoàn vốn cho tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới đặt trên QL3 cũ đang được hoàn thiện để tiến hành thu phí trong thời gian tới. Vị trí đặt trạm thu phí này được nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho rằng không hợp lý.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, UBND tỉnh Thái Nguyên đã từng đề xuất đặt vị trí trạm thu phí hoàn vốn cho dự án trên cả đường QL3 mới và QL3 cũ trong đoạn Km82- Km90 (phía trên ngã 3 Bờ Đậu về phía Bắc Kạn).

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng sau khi tính toán thì phương án đặt trạm thu phí trên đoạn Km82 – Km90 QL3 cũ không khả thi về phương án tài chính (thiếu khoảng 1.400 tỉ đồng).

PV Dân Việt đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT trong việc lựa chọn trạm thu phí BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, quyền lợi của doanh nghiệp hay quyền lợi của người dân được đặt cao hơn?

Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định đối với việc thu phí hoàn vốn cho dự án Thái Nguyên – Chợ Mới, việc lập trạm thu phí trên đường được làm mới không có vấn đề gì cả vì “đặt ở vị trí nào khi đi qua đó cũng phải thu phí”. Còn vị trí trạm BOT trên QL3 cũ đã nhiều lần phải thay đổi vị trí.

Ông Nguyễn Hồng Trường nói: “Đúng là vị trí trạm thu phí hoàn vốn dự án Thái Nguyên – Chợ Mới trên QL3 cũ đã nhiều lần được thay đổi. Nếu đặt ở vị trí A, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, chuyển sang vị trí B lại quá gần trung tâm thị tứ và cuối cùng phải chuyển sang vị trí C như hiện nay. Văn bản thỏa thuận này đều được các cấp chính quyền ký tên, đóng dấu thỏa thuận. Chứ không có việc Bộ GTVT muốn đặt ở đâu thì đặt”.

Thứ trưởng Bộ GTVT một lần nữa khẳng định vị trí của tất cả các trạm thu phí đều phải có sự thỏa thuận của chính quyền địa phương, ở đây là UBND tỉnh, UBND huyện, UBND xã.

Đối với mức phí qua trạm đối với người dân sinh sống quanh khu vực trạm thu phí, ông Trường cho biết Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đã tính mức phí của người dân đi qua trạm nhiều lần trong ngày bằng cách bán vé quý, tháng, năm. Ví dụ bán vé tháng chỉ tính 20 ngày, mỗi ngày chỉ tính mức thu 60% giá lượt.

“Mức giá vé tháng, vé quý đã giảm rất nhiều so với giá vé lượt thông thường. Tuy nhiên, đối với những vùng có thu nhập người dân không cao như Bắc Kạn, Thái Nguyên hay Lương Sơn (Hòa Bình) người dân vẫn chưa đồng tình với mức phí đó. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ GTVT sẽ thực hiện theo hướng giảm tối đa cho người dân sống ở hai xã hai bên trạm thu phí và giảm ít nhất 50% cho người dân có ô tô 7 chỗ trở xuống ở hai huyện hai bên trạm BOT” – ông Trường cho biết.

Hiện Bộ GTVT đề nghị các địa phương họp HĐND các tỉnh họp thống nhất phương án, gửi kiến nghị về Bộ GTVT. Nếu thực hiện mức giảm như trên, Bộ GTVT cho biết sẽ phải điều chỉnh thời gian thu phí và làm việc với các ngân hàng cho vay vốn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem