Bộ trưởng Công nghiệp Italy: “Nên cho phép Huawei tham gia vào dự án mạng 5G”
Hồi tuần trước, Ủy ban tình báo quốc hội Italy đã đề xuất chính phủ xem xét ngăn chặn hai công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE tham gia vào dự án phát triển mạng 5G trong bối cảnh tập đoàn viễn thông lớn nhất đất nước Telecom Italia bắt đầu chọn lựa nhà cung cấp nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng và Huawei là ứng cử viên được xem xét. Chủ tịch Nội các Italy Riccardo Fraccaro sau đó tuyên bố Chính phủ đã ghi nhận và sẽ xem xét nghiêm túc các đề xuất nói trên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghiệp Stefano Patuanelli lại không đồng tình với quan điểm của Ủy ban tình báo quốc hội. Ông này nhấn mạng: “Chúng tôi đã thông qua luật an ninh quốc gia, Huawei hiện là nhà cung cấp các giải pháp mạng viễn thông 5G tốt nhất với mức giá hợp lý nhất”.
“Chúng ta không thể giương cờ mở cửa thị trường bằng một tay, còn tay kia thì giữ khư khư chủ nghĩa bảo hộ” - ông Stefano Patuanelli nhấn mạnh.
Không riêng gì Italy, nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia EU cũng đang mắc kẹt trong bài toán xây dựng mạng 5G và vai trò của Huawei. Mỹ từ lâu đã vận động Italy và các đồng minh Châu Âu “cấm cửa” Huawei khỏi thị trường mạng 5G, ngăn chặn sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE do cáo buộc gián điệp cho Bắc Kinh, gây rủi ro an ninh quốc gia. Dù Huawei cùng ZTE sau đó đã mạnh mẽ phản ứng lại cáo buộc như vậy, phía Washington vẫn cứng rắn duy trì lập trường khi đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế thương mại.
Nhà Trắng thậm chí đe dọa sẽ cắt mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo của Anh và các nước đồng minh nếu sử dụng công nghệ và thiết bị mạng 5G của Huawei, do rủi ro bảo mật. Đây cũng là nguyên nhân khiến Anh, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia Châu Âu khác chưa thể quyết định “cấm cửa” Huawei hay không.
Trong hàng loạt nỗ lực nhắm vào gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ FCC thậm chí đề xuất lệnh cấm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ sử dụng quỹ mua sắm trị giá 8,5 tỷ USD do chính phủ trợ cấp để mua thiết bị hay dịch vụ mạng từ Huawei. Theo nguồn tin từ các quan chức FCC, cơ quan này cũng có kế hoạch yêu cầu các nhà mạng loại bỏ và thay thế hoàn toàn các thiết bị có nguồn gốc từ Huawei hoặc ZTE trong mạng lưới viễn thông.
Huawei trong tháng 12 đã khởi xướng vụ kiện chống lại FCC như nỗ lực mới nhất phản ứng lại những biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại từ chính quyền Donald Trump. Khẳng định trước tòa án tối cao, Huawei tuyên bố không chịu áp lực hay bất kỳ sự chi phối nào từ Bắc Kinh trong quá trình bảo mật và mọi hoạt động khác.