Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: "EVFTA mới là bước đầu"
Xung quanh vấn đề này, PV Etime đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Bên cạnh những cơ hội lớn, một số ý kiến cho rằng Hiệp định EVFTA có thể cũng tạo ra một số thách thức mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và doanh nghiệp Việt Nam cần có những chuẩn bị gì để vượt qua những thách thức này?
Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU. Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.
Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.
Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, các cam kết nhiều lĩnh vực mới trong Hiệp định EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật. Trong thời gian qua, Quốc hội đã chủ động đưa ra lộ trình sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ v.v... Đây chính là các bước đi chủ động để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, trong đó có việc thực hiện Hiệp định EVFTA.
Theo Bộ trưởng đánh giá, đâu sẽ là những thách thức lớn đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam khi muốn bước chân vào thị trường EU?
Thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Ví dụ, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép.
Các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.
Để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.
Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v. Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Như ông vừa chia sẻ, tham gia một FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rào cản thương mại và lao động. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các khó khăn này?
Các FTA thế hệ mới với phạm vi bao quát toàn diện mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, cùng với đó là không ít thách thức. Trước hết, FTA thế hệ mới đặt ra nhiều thiết chế bắt buộc các nước thành viên phải thực thi, trong đó quan trọng nhất là việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với cam kết tại hiệp định.
Do có phạm vi cam kết rộng, bao gồm cả những lĩnh vực phi truyền thống, việc sửa đổi pháp luật trong nước bao gồm không chỉ hệ thống pháp luật liên quan đến mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ mà cả các lĩnh vực về đấu thầu mua sắm công, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…
Việc sửa đổi pháp luật đòi hỏi nhiều thời gian, nếu không thực hiện kịp thời, ta rất dễ rơi vào trình trạng vi phạm cam kết. Cụ thể, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường … phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm.
Điều này có thể dẫn tới hậu quả là có rủi ro cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ vi phạm của một thiểu số doanh nghiệp. Việc Bộ luật lao động sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và đi vào thực thi từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc chuẩn bị cho việc thực thi các hiệu quả các cam kết trong các FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định EVFTA. Do vậy, chúng ta cần triển khai để thực hiện tốt Bộ luật này trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!