Báo nước ngoài nói gì về cà phê Robusta Việt Nam?

22/12/2020 11:46 GMT+7
Với nỗ lực xóa tan định kiến cà phê Robusta như một loại cà phê hạng hai chỉ thích hợp cho đồ uống hòa tan, ngày càng nhiều nhà sản xuất khắp thế giới đang tung ra những thương hiệu cà phê Robusta sang trọng, chất lượng.

Tờ tạp chí kinh tế - tài chính hàng đầu châu Á Nikkei Asian Review nhận định ông Nguyễn Tới, chủ sở hữu trang trại Future Coffee Farm (Việt Nam) là một trong những người đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy chất lượng cà phê Robusta trên toàn cầu. Trang trại của anh Nguyễn Tới được trồng trong điều kiện giám sát nghiêm ngặt, cho ra những hạt cà phê chất lượng nhất, thơm ngon nhất và đã nhận được sự đánh giá cao từ Hiệp hội Cà phê Đặc sản Mỹ.

Hiromasa Okazaki, chủ tịch hãng bán lẻ cà phê trực tuyến Namamame Honpo cho biết: “Cà phê Robusta giờ đây đã thu hút được những người yêu thích ở châu Âu … Giá bán buôn (cà phê Robusta) đã tăng khoảng 20% so với hồi năm ngoái”.

Cà phê Robusta Việt Nam ngày càng được thế giới ưa chuộng - Ảnh 1.

Đồn điền cà phê Robusta của anh Nguyễn Tới - Future Coffee Farm

Cà phê Robusta có thể được trồng ở các vùng cao nguyên thấp hơn với khả năng chống sâu bệnh tốt hơn so với loại cà phê Arabica. Trong khi hạt Robusta được sử dụng phổ biến trong cà phê hòa tan, hạt Arabica lại thường được sử dụng hơn trong các loại cà phê không hòa tan. Nhờ độ tin cậy ngày một cao, thị phần cà phê Robusta trong sản lượng cà phê toàn cầu đã tăng từ mức 20% lên 40% trong 4 thập kỷ qua.

Cà phê Robusta thường có giá thấp hơn cà phê Arabica do mùi thơm đặc trưng, lượng hạt không đạt chuẩn và chi phí sản xuất rẻ hơn. Nhưng ngày càng nhiều nông dân đang tìm cách tăng chất lượng cà phê Robusta để tăng lợi nhuận thu về.

Masaomi Arakawa, quản lý tại tập đoàn kinh doanh Nhật Bản S. Ishimitsu cho biết: “Ngày càng có nhiều nông dân áp dụng các phương pháp và cách thức trồng trọt đặc trưng để tạo nên hương vị và đặc tính độc đáo cho cà phê Robusta”.

Tại đồn điền cà phê Kaweri ở Uganda, nông dân đang trồng cà phê Robusta ở độ cao khoảng 1.200m. Cà phê trồng ở độ cao này cần được chăm sóc đặc biệt hơn, nhưng khoảng nhiệt độ thấp hơn sẽ tạo nên hương thơm sâu đặc trưng cho hạt cà phê. “Bạn sẽ có một vị ngọt nhất định, gần giống như chocolate, bên cạnh hương vị đặc trưng của Robusta (khi trồng cà phê tại độ cao này)” một nhà điều hành đồn điền cho hay.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu tiêu dùng cà phê Robusta tăng lên, khi người dân nhiều quốc gia phải chôn chân tại nhà vì lệnh phong tỏa, dẫn đến sử dụng cà phê hòa tan nhiều hơn.

“Các nhà sản xuất cà phê Robusta cho rằng đây là cơ hội lớn để tiếp thị các sản phẩm cà phê Robusta chất lượng, sang trọng so với các loại cà phê đại trà trên thị trường hiện nay” - một doanh nghiệp thương mại Nhật Bản nhận định. Tại thị trường Nhật Bản, cà phê Robusta vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao. Hương vị Robusta thậm chí được người dân ở đây so sánh với hương vị trà lúa mạch.

Nhà kinh doanh thương mại Marubeni dự kiến nguồn cung hạt cà phê Arabica sẽ đối diện với sự thiếu hụt trong năm tài chính 2022, phần lớn do sự sụt giảm sản lượng tại Brazil - nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác dự kiến sẽ xóa sổ tới một nửa diện tích canh tác cà phê Arabica vào năm 2050. Do đó, giới chuyên gia kỳ vọng việc tăng sản lượng cà phê Robusta sẽ giúp duy trì nguồn cung cà phê toàn cầu ổn định.

Kazuyuki Kajiwara, người đứng đầu bộ phận Đồ uống tại Marubeni nhận định: “Điều cần thiết lúc này là phải tăng giá mua Robusta lên mức hợp lý để các nhà máy sản xuất có đủ khả năng duy trì sản lượng bền vững”.


NTTD
Cùng chuyên mục