Các công ty chứng khoán báo lãi lớn nhờ TTCK đi lên
Sau diễn biến lao dốc trong quý 1/2020, nhất là tháng 3, thị trường chứng khoán trong quý 2 có diễn biến hồi phục, tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản.
Thanh khoản toàn thị trường trong quý 2 đã tăng trên 40% so với quý trước đó, đạt trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên. VN-Index đã tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường (cuối tháng 3/2020), khiến Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi mạnh nhất thế giới.
Tính chung cho 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 5.600 tỷ đồng/phiên, tăng 21,4% so với bình quân năm 2019.
Dù thị trường vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, song việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 sẽ là điểm nhấn quan trọng để chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và duy trì thanh khoản tốt trong thời gian tới.
Nhờ sự hồi phục của thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán theo đó báo lãi trong quý 2 sáng sủa hơn so quý trước đó.
Trong quý 2, Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) đạt doanh thu hơn 374 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 13% và 36% so với cùng kỳ.
Theo HSC, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 679 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019 và thực hiện 52% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng, tăng 30% và thực hiện được 55% kế hoạch cả năm.
Trong cơ cấu doanh thu, môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh đóng góp 98% tổng doanh thu thuần bán niên năm 2020. Cụ thể, doanh thu phí môi giới chiếm 38% tổng doanh thu của HSC, đạt 258 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động cho vay ký quỹ đạt 222 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với cùng kỳ và chiếm 33% tổng doanh thu HSC.
Hoạt động đầu tư tự doanh đạt kết quả khả quan với doanh thu đạt 189 tỷ đồng, tăng 145% so với nửa đầu năm 2019 và đóng góp 28% vào tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của HSC so với tỷ trọng 13% cùng kỳ.
Mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp ghi nhận 3,7 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên do đặc trưng của hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp là tùy thuộc vào thời điểm ghi nhận doanh thu của các thương vụ. Doanh thu báo cáo trong kỳ kế toán thường không phản ánh đầy đủ thành quả kinh doanh của hoạt động này.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thì báo lợi nhuận tăng vọt trong quý này. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 385 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Doanh thu tăng chủ yếu do (1) chênh lệch đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi lỗ đạt mức 47,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 15,8 tỷ đồng; (2) cổ tức, tiền lãi phát sinh đạt 53,3 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ; và (3) lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt mức 134 tỷ đồng, tăng 21% theo năm.
Chi phí hoạt động là 69 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ, chủ yếu là do giảm mạnh các khoản lỗ từ các tài sản tài chính. Chi phí lãi vay trong quý cũng giảm đến 46% về mức 42 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 2 của SHS đạt 220 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, SHS đạt doanh thu hoạt động 787 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt mức 266 tỷ đồng, tăng 132%.
Sau quý 1 thua lỗ, Chứng khoán BOS (ART) đã có quý 2 khởi sắc khi công bố lãi sau thuế đạt 38 tỷ đồng, gấp hơn 3,4 lần cùng kỳ năm trước.
Trong quý 2, doanh thu hoạt động của ART đạt gần 33 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ hoạt động cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán đóng góp gần nửa vào doanh thu hoạt động, đạt gần 15 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, doanh thu môi giới của Công ty có phần sụt giảm khi chỉ đạt hơn 7,3 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.
Về phần chi phí hoạt động, chủ yếu nhờ chênh lệch giảm tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) âm hơn 102 tỷ đồng nên Công ty ghi chi phí hoạt động trong kỳ âm hơn 11 tỷ đồng.
Nhờ các yếu tố trên mà Chứng khoán BOS báo lãi tăng mạnh trong kỳ. Tuy vậy, kết quả trong quý 2 của Công ty vẫn chưa đủ để bù đắp lại quý 1 thua lỗ trước đó. Lũy kế nửa đầu năm, Công ty chỉ lãi ròng hơn 440 triệu đồng, giảm tới 97% so với cùng kỳ.
Chứng khoán VNDirect (VND) cũng báo lợi nhuận khả quan trong quý này. Cụ thể, Công ty đạt doanh thu 410 tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán và doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn đạt lần lượt 110 tỷ đồng và 126 tỷ đồng, tăng 42% và 97% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và lãi từ các hoạt động cho vay, phải thu ghi nhận lần lượt 84 và 77 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 134,4 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VND báo lãi sau thuế gần 193 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã thực hiện được gần 48% kế hoạch lợi nhuận (trong kịch bản cơ sở VN-Index năm 2020 trong khoảng 840 - 920 điểm).
Theo báo cáo giải trình, việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trong nước đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, cả thanh khoản lẫn chỉ số VN-Index đều ghi nhận sự cải thiện đáng kể.
VNDirect ghi nhận hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư, dẫn đến chi phí hoạt động trong kỳ giảm. Đây là yếu tố chủ chốt giúp lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán nói chung, khối công ty chứng khoán nói riêng được nhìn nhận vẫn có không ít thách thức trong trung và dài hạn.
Hiện tại, thị trường chứng khoán thế giới, bao gồm Việt Nam, đang “tách rời” nền kinh tế. Thị trường tiếp tục lạc quan, giới đầu tư phớt lờ các thông tin xấu như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, làn sóng vỡ nợ và đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng (các quốc gia đều muốn kích cầu hậu dịch Covid-19 bằng cách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để tiêu thụ hàng nội địa)...
Bên cạnh đó là diễn biến thị trường lình xình kể từ đầu tháng 7 tới nay, đáng chú ý hơn đó là VN-Index mất đến 28 điểm phiên 24/7 do xuất hiện thông tin về ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại Việt Nam,…