Các nước giàu đã "bỏ túi" 87% lượng vắc xin phân phối ra toàn cầu cho đến nay

10/04/2021 11:29 GMT+7
Trong một cuộc họp báo hôm 9/4, Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố các quốc gia giàu có đã mua phần lớn nguồn cung vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, trong khi các quốc gia nghèo mới chỉ nhận được chưa đầy 1% trong tổng nguồn cung đó.

Cụ thể, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus từ Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng trong số 700 triệu liều vắc xin đã được phân phối trên toàn cầu, “hơn 87% đã đến các nước có thu nhập cao hoặc thu nhập trên trung bình, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ nhận được khoảng 0,2%”.

Theo ông Tedros, ở các nước giàu, trung bình cứ 4 người thì có 1 người đã được tiêm chủng ngừa vắc xin Covid-19. Trong khi đó, con số này ở các nước nghèo có thu nhập thấp là 1/500.

Các nước giàu đã "bỏ túi" 87% lượng vắc xin phân phối ra toàn cầu cho đến nay - Ảnh 1.

Các nước giàu đã "bỏ túi" 87% lượng vắc xin phân phối ra toàn cầu cho đến nay

“Vẫn tồn tại sự mất cân bằng đáng kinh ngạc trong việc phân phối vắc xin Covid-19 trên toàn cầu” - ông Tedros nhấn mạnh. Ông này nói thêm rằng hiện liên minh vắc xin COVAX đang đối diện với tình trạng nguồn cung thiếu hụt trầm trọng. Sáng kiến liên minh vắc xin COVAX được lập ra với mục đích tăng khả năng tiếp cận vắc xin cho các quốc gia nghèo.

“Chúng tôi hiểu rằng một số quốc gia và doanh nghiệp đang có kế hoạch tài trợ vắc xin song phương thay vì thông qua liên minh COVAX vì nhiều lý do chính trị, thương mại khác nhau. Nhưng những thỏa thuận song phương như vậy có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự bất công trong quá trình phân phối vắc xin”.

Trong nỗ lực xoa dịu sự mất cân bằng hiện tại, các đối tác của Liên minh COVAX bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Liên minh Đổi mới và ứng phó dịch bệnh, Liên minh vắc xin Gavi… đang nỗ lực xây dựng các chiến lược tăng tốc sản xuất, tăng nguồn cung ứng.

Liên minh vắc xin Gavi đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ những quốc gia có nguồn cung vắc xin dư thừa, đồng thời tìm cách mở rộng năng lực sản xuất trên toàn cầu để tối đa hóa khả năng tiếp cận vắc xin cho các nước nghèo.

Khi tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn cầu tăng lên, nhiều quốc gia đang thảo luận về việc áp dụng hộ chiếu vắc xin để đẩy nhanh tốc độ mở cửa biên giới.

Hộ chiếu vắc xin là “thuật ngữ” mới chỉ xuất hiện gần đây, đề cập đến những giấy chứng nhận một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ mũi tiêm vắc xin Covid-19. Hộ chiếu vắc xin được nhiều nước đề xuất áp dụng dưới dạng điện tử và có hiệu lực rộng rãi trên thế giới, dù nó đang vấp phải làn sóng tranh cãi lớn từ các nhà hoạt động nhân quyền, những người lo ngại hộ chiếu vắc xin điện tử sẽ kéo theo nhiều rủi ro khác về quyền riêng tư.

EU gần đây đã đưa vấn đề hộ chiếu vắc xin ra thảo luận. Nhiều quốc gia thuộc khối đồng tình áp dụng hộ chiếu này. Ví dụ, chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ tung ra hộ chiếu vắc xin điện tử trong vài tháng tới, qua đó cho phép các công dân đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 xuất nhập cảnh dễ dàng hơn mà không phải trải qua các quy định hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại nơi đặt chân đến.

Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét tính khả thi của việc liên kết chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 với các mũi tiêm chủng quan trọng khác để tạo thành hệ thống hộ chiếu vắc xin điện tử.

Tại Trung Quốc, đã xuất hiện một số đề xuất thúc đẩy áp dụng hồ chiếu vắc xin trong nước cũng như trên toàn cầu trong nỗ lực bình thường hóa giao lưu kinh tế và du lịch quốc tế.


NTTD
Cùng chuyên mục