Cầm sổ đỏ vay tiền 'nuôi' cây dược liệu quý, bản nghèo "đổi đời" sau 2 năm

08/09/2020 14:38 GMT+7
“Dù mới trồng dược liệu 2 năm nhưng cuộc sống của các thành viên trong HTX đã có chuyển biến rõ rệt, bà con có tiền dư để mua sắm các thiết bị trong gia đình, mua xe máy, ti vi, phương tiện truyền thông” - anh Phan Văn Hữu, Giám đốc HTX cho biết

Mạnh dạn đưa các giống cây dược liệu vào trồng tại những vùng gò đồi, đất lúa kém hiệu quả, HTX Văn Lang HT (thôn Nà Diệc, xã Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản và đời sống của bà con dân tộc thiểu số.

Anh Nông Văn Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Văn Lang HT cho biết: “Doanh thu của HTX khoảng 500 triệu đồng trong năm đầu tiên trồng cây dược liệu. Sau khi trừ chi phí, các thành viên có thể thu về lợi nhuận trên 100 triệu/ha, gấp nhiều lần so với trồng các loại cây nông nghiệp thông thường như lúa, ngô, sắn… Hiện tại, HTX đã liên kết tiêu thụ 100% sản phẩm với các đơn vị tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương”.

Cầm sổ đỏ vay tiền 'nuôi' cây dược liệu quý, bản nghèo "đổi đời" sau 2 năm - Ảnh 1.

Anh Nông Văn Trường phấn khởi nhận xe dược liệuđầy ắp của bà con.

Phát triển vùng dược liệu sạch

Chưa bao giờ vấn đề dược liệu bẩn, không an toàn lại được người tiêu dùng quan tâm như hiện nay. Hàng loạt vụ phù phép, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn bị phanh phui trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng. Trước thực trạng này, những người thanh niên tại bản nghèo Nà Diệc cùng nhau liên kết, trồng cây dược liệu với tham vọng phát triển vùng dược liệu lớn. HTX cung cấp giống và hỗ trợ bà con kiến thức, kỹ thuật trồng cây dược liệu sach, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp dược phẩm trong nước.

Cầm sổ đỏ vay tiền 'nuôi' cây dược liệu quý, bản nghèo "đổi đời" sau 2 năm - Ảnh 2.

Người dân chủ yếu trông cây dươc liệu lâu năm trên đồi, dưới tán cây cổ thụ.

HTX chuyên trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: cà gai leo, xạ đen, cát sâm, khôi nhung, ba kích… Ban lãnh đạo chủ trương trồng xen kẽ cây dược liệu ngắn ngày và cây lâu năm để xoay vòng vốn, “lấy ngắn nuôi dài”.

Xã Văn Lang nằm trong khu vực ôn đới nên việc trồng cây dược liệu khá thuận lợi, dược tính trong cây cao hơn các khu vực khác. Về mặt kỹ thuật trồng và chăm sóc, cây dược liệu không yêu cầu quá cao, chỉ cần bón lót phân hữu cơ ủ hoai trước khi trồng, phát quang bụi rậm, tạo môi trường cho cây phát triển.

Cầm sổ đỏ vay tiền 'nuôi' cây dược liệu quý, bản nghèo "đổi đời" sau 2 năm - Ảnh 3.

Trà cà gai leo, cao cà gai leo hiện là sản phẩm chính của HTX.

Theo tính toán của HTX, 1ha cà gai leo có thể cho năng suất đạt từ 30-35 tấn/ha/năm, thu hoạch 3-4 lần/năm. Các cây dược liệu lâu năm như xạ đen, cát sâm, khôi nhung, ba kích… thời gian trồng càng dài, dược tính trong cây càng cao, nâng cao giá trị cây. 

Cụ thể, HTX đã nhân giống cây xạ đen bằng hạt hoặc bằng cành. Với mật độ 4 cây/1m2 thì 1ha xạ đen có thể thu được 40 tấn thân, lá tươi, giá thu mua từ 6.000-8.000 đồng/kg tươi. 1,5ha cây cát sâm, HTX trồng với mật độ 10.000 cây/ha, dự kiến sau 3 năm thu hoạch, năng suất đạt 20-25 tấn/ha, giá thu mua 130.000 đồng/kg củ tươi, 700.000 – 1.000.000 đồng/kg củ khô.

Cầm sổ đỏ vay tiền 'nuôi' cây dược liệu quý, bản nghèo "đổi đời" sau 2 năm - Ảnh 4.

Anh Phan Văn Hữu chia sẻ hiêu quả kinh tế của cây dược liệu.

Theo anh Phan Văn Hữu, Giám đốc HTX cho biết: “Dù mới trồng dược liệu 2 năm nhưng cuộc sống của các thành viên trong HTX đã có chuyển biến rõ rệt, bà con có tiền dư để mua sắm các thiết bị trong gia đình, mua xe máy, ti vi, phương tiện truyền thông”.

Cần hỗ trợ về vốn để chế biến tinh dược liệu

Hiện nay, các sản phẩm dược liệu chủ yếu dưới dạng thô, dẫn đến giá trị kinh tế của cây dược liệu chưa cao, giá cả không ổn định. Hiện các sản phẩm chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công: phơi, nấu cao… nên nhiều doanh nghiệp còn e ngại khi hợp tác.

Bên cạnh đó, nhà xưởng của HTX hiện tại chỉ là căn nhà lợp mái tôn rộng 30m2, chủ yếu bảo quản các loại dược liệu khô. Với diễn biến thời tiết phức tạp vùng núi cao, nhà xưởng khó có thể đảm bảo vững chắc trong những ngày mưa gió, thời tiết nồm ẩm có thể ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu.

Cầm sổ đỏ vay tiền 'nuôi' cây dược liệu quý, bản nghèo "đổi đời" sau 2 năm - Ảnh 5.

Nhà xưởng còn đơn sơ, chưa chắc chắn.

Theo anh Phan Văn Hữu, Giám đốc HTX cho biết: HTX gồm 13 thành viên, đa số là thanh niên khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Nhiều người phải cầm sổ đỏ để “nuôi” cây thuốc quý. Đây không phải là phương án liều lĩnh vì cây dược liệu trồng càng lâu năm, càng có giá trị kinh tế cao. Đó là “của để dành”, là “vàng” của bà con dân tộc.

“Ban lãnh đạo HTX định hướng trong thời gian tới sẽ sửa lại nhà xưởng, đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất trà túi lọc, cao dược liệu, viên hoàn theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số thành viên ở độ tuổi thanh niên nên có thể tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi đang vướng mắc về nguồn vốn, HTX mong muốn các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ dược liệu”.

Cầm sổ đỏ vay tiền 'nuôi' cây dược liệu quý, bản nghèo "đổi đời" sau 2 năm - Ảnh 6.

HTX mong nhận đươc hỗ trợ về vốn để xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất, thu hút doanh nghiệp thu mua.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển ngành công ghiệp dược liệu, nhưng thực tế chúng ta chưa tận dụng được cơ hội này. Để giấc mơ mọi người Việt đều được sử dụng dược liệu sạch, đồng thời ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng thì phát triển vùng nguyên liệu của Việt Nam, do người Việt Nam bào chế còn là bài toán chung của các cơ quan chức năng và người sản xuất. Mô hình trồng dược liệu của HTX Văn Lang HT là điểm sáng cần nhân rộng, có thể hiện thực hóa giấc mơ đó.

Theo Thời Báo kinh doanh
Cùng chuyên mục