Cần ngay gói 200.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp

06/08/2020 06:57 GMT+7
Cần có ngay gói hỗ trợ tín dụng ít nhất 200.000 tỉ đồng với tiêu chí nới lỏng để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19.

Từ ngày 3-8, Nghị quyết số 116/2020 của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Nghị quyết nêu rõ: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm nay cho những DN có tổng doanh thu không quá 200 tỉ đồng, áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Đây là thông tin khá tích cực đối với những đơn vị đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng chính sách này cần kéo dài thay vì chỉ áp dụng trong năm nay. Bên cạnh đó, cần thêm các gói hỗ trợ tín dụng khác thì mới giúp được DN vượt qua khó khăn chồng chất.

Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Giám đốc Du lịch Lửa Việt:

Cần giảm thêm thuế VAT, bảo hiểm xã hội

Cần ngay gói 200.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp - Ảnh 1.

 

Hiện nay mức thuế TNDN phải nộp là 20%/năm, khi được giảm 30% sẽ giúp chúng tôi bớt khó khăn dù không nhiều. Nói chung là có còn hơn không. Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh giảm thuế TNDN, Nhà nước nên giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) và bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, mong muốn lúc này của cộng đồng DN là được giãn nợ vay ngân hàng. Thực sự đây là những khoản đang đè nặng lên các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Song song với sự hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân các DN cũng không nên trông chờ vào sự hỗ trợ mà trước hết hãy tự mình cứu mình. Chẳng hạn, phải tự sắp xếp để tối ưu lao động, cắt giảm các chi phí chưa thật sự cần thiết. Bởi dịch bệnh rồi sẽ đi qua, quan trọng là sau dịch DN chuẩn bị gì để vực dậy và vượt lên mạnh mẽ.

Bản thân tôi thời gian qua tranh thủ khảo sát thêm những điểm đến mới, độc đáo, mới lạ mà lâu nay mình không biết. Nhờ đó, chúng tôi có cơ hội để làm mới sản phẩm du lịch cũ và tung ra một loạt sản phẩm mới.

Cần ngay gói 200.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Việc giảm 30% thuế TNDN góp phần tạo điều kiện cho các DN tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Q.HUY

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM:

Cần giảm lãi suất cho các khoản đang vay

Cần ngay gói 200.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp - Ảnh 3.

 

Việc giảm 30 % thuế TNDN là thông tin tốt vì góp phần hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tạo điều kiện cho họ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Có điều phải chờ đến sang năm mới được hưởng chính sách này vì khi đó DN mới quyết toán.

Mặt khác, số đơn vị sản xuất, kinh doanh có lãi để nộp thuế TNDN trong năm nay cực kỳ hiếm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là rất lớn. Nếu DN “chết” rồi, không có lãi thì lấy gì mà đóng thuế TNDN. Vì vậy, giảm 30% hay nhiều hơn nữa cũng chỉ mang tính động viên thôi.

Do đó, đối với những khó khăn của DN do dịch, cần gói hỗ trợ vốn ngay. Theo đó, Chính phủ và ngành ngân hàng cần có chính sách giảm điều kiện, tiêu chí để DN có thể vay được các gói hỗ trợ tín dụng đã đưa ra, hoặc giảm lãi suất cho các khoản DN đang vay.

Song song đó, lúc này rất cần cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có các dự báo, kết nối cung cầu, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ, về nguồn cung nguyên vật liệu… để DN biết. Giờ này thị trường đã bí mà không có thông tin thì càng bế tắc hơn.

Ông NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Cần kéo dài giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sang năm 2021

Cần ngay gói 200.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp - Ảnh 4.

 

Giảm thuế TNDN trước mắt sẽ giúp cho những DN có lợi nhuận giảm được số thuế phải nộp. Nhưng theo tôi, số đơn vị được hưởng lợi từ chính sách này không nhiều. Lý do là số lượng đơn vị sản xuất, kinh doanh có doanh thu dưới 200 tỉ đồng rất nhiều nhưng đa số bị tác động rất mạnh từ dịch COVID-19. Thành ra rất nhiều công ty dù có doanh thu nhưng không lãi, thậm chí lỗ nên họ sẽ không có tiền nộp thuế TNDN.

Chính vì vậy, chính sách giảm thuế TNDN chỉ áp dụng cho năm 2020 không mang nhiều ý nghĩa. Thế nên cần kéo dài thời gian giảm thuế TNDN qua cả năm 2021, để giúp nhiều DN vượt qua khó khăn, năm tiếp theo họ phục hồi, có lợi nhuận thì được hưởng chính sách giảm thuế. Đồng thời điều kiện áp dụng nên nâng lên là có doanh thu không quá 500 tỉ đồng thay vì không quá 200 tỉ đồng như hiện nay.

Đặc biệt, để hỗ trợ DN ở thời điểm này cần phải có một gói tín dụng hỗ trợ cho vay. Bởi vấn đề khó khăn nhất của DN lúc này là tính thanh khoản để chi trả tiền thuê mặt bằng, chi phí trả lương cho công nhân viên, tiền trả nợ vay ngân hàng, trả tiền cho nhà cung cấp…

Gói tín dụng này ít nhất 200.000 tỉ đồng với tiêu chí nới lỏng để các DN nhỏ và vừa, đặc biệt những DN bị tác động mạnh bởi dịch bệnh có thể tiếp cận. Đây là gói vay rủi ro nên cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng và Chính phủ cần có chính sách bảo lãnh cho các ngân hàng để họ mạnh dạn cho DN vay. Còn với cơ chế như hiện tại, dù có gói tín dụng nhưng ngân hàng chẳng dám cho các DN đang gặp khó khăn vay. Nếu tiêu chí cho vay quá cẩn trọng, khắt khe thì chẳng DN nào tiếp cận được vốn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Ông ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:

Ngân hàng phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp

Cần ngay gói 200.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp - Ảnh 5.

 

Việc giảm thuế TNDN là cần thiết. Nhưng theo tôi, những đơn vị có lãi thì vẫn phải đóng thuế TNDN. Bởi với những đơn vị có lợi nhuận thì khoản thuế 20% phải đóng không ảnh hưởng gì nhiều. DN đóng thuế thì ngân sách mới có tiền và lấy tiền đó để hỗ trợ cho những công ty thua lỗ do ảnh hưởng của dịch COVID-19; có tiền để hỗ trợ công nhân thất nghiệp, người lao động gặp khó khăn.

Điều quan trọng lúc này là ngân hàng phải thực sự đồng hành cùng DN như giãn nợ, giảm lãi suất... Nếu ngân hàng hỗ trợ, tiếp sức thì DN mới có lực để cầm cự vượt qua giai đoạn này và tiếp tục phát triển để có tiền trả nợ.

Tuy nhiên, cái khó của ngân hàng là khi họ giãn nợ thì lại bị đưa vào diện nợ xấu. Vì vậy, ở giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần cho phép các ngân hàng thương mại giãn nợ cho DN và không đưa vào nợ xấu.

Ngân sách giảm 23.000 tỉ đồng vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Nghị quyết số 116/2020 của Quốc hội áp dụng đối với người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN. Trong đó bao gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

DN có quy mô vừa được giảm thuế là DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng. Con số này tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định DN vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Theo Bộ Tài chính, với việc giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm nay, ước giảm thu ngân sách khoảng 23.000 tỉ đồng. Hiểu nôm na, ước tính số thuế DN được giảm là khoảng 23.000 tỉ đồng.


Quang Huy
Cùng chuyên mục