Cảng Chân Mây: Hướng tới trung tâm logistics hiện đại của miền Trung
Cảng Chân Mây, tọa lạc tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, TP Huế, được thành lập từ năm 2003 và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2015. Sau hơn hai thập kỷ phát triển, Cảng Chân Mây đã vươn lên trở thành một trong những cảng biển trọng điểm của khu vực miền Trung, đặc biệt nổi bật với thế mạnh đón tàu khách quốc tế.
Bước tiến trong khai thác tàu du lịch và container
Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của cảng là hợp tác với hãng tàu du lịch Royal Caribbean để nâng cấp Bến số 1, giúp cảng có thể tiếp nhận tàu hàng lên đến 50.000 DWT và tàu khách cỡ lớn với tải trọng đến 225.282 GRT. Nhờ đó, Cảng Chân Mây trở thành điểm dừng chân quen thuộc của các hãng tàu quốc tế như TUI Cruise, Princess Cruise, Costa Cruises và Silversea Cruises.

Cuối năm 2022, cảng chính thức bước vào lĩnh vực khai thác
container, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ sang dịch vụ
logistics. Cơ sở hạ tầng và thiết bị xếp dỡ được đầu tư đồng bộ, nâng cao khả
năng phục vụ chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Công ty CP Cảng Chân Mây đạt
doanh thu 160,64 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước trên 9,5 tỷ đồng. Dự kiến cả
năm 2025, doanh thu sẽ đạt khoảng 370 tỷ đồng.
Hiện nay, cảng đang được đầu tư mạnh về hạ tầng với mục tiêu
trở thành cảng biển hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải lớn và
phục vụ logistics hiệu quả. Dự án mở rộng bao gồm xây dựng thêm các bến số 4,
5, 6, nâng tổng chiều dài cầu cảng lên 1.931m; hoàn thiện giai đoạn 2 đê chắn
sóng dài 750m; duy tu luồng lạch, vũng quay tàu, hoàn thành giai đoạn 2 đê chắn sóng, nâng tổng chiều dài đê chắn sóng lên 750m, giúp tăng cường khả năng bảo vệ cầu cảng và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền... nhằm đảm bảo an toàn cho tàu
lớn.


Tuy nhiên, Cảng Chân Mây vẫn gặp không ít thách thức như thiếu
trung tâm logistics, hệ thống kho bãi còn manh mún, hàng hóa qua cảng chưa
phong phú, các khu công nghiệp chưa phát triển mạnh và thiếu hụt nghiêm trọng
nguồn nhân lực chuyên ngành logistics.
Định hướng phát triển dịch vụ logistics tại Huế
Để thúc đẩy ngành logistics, cần xác định đây là lĩnh vực ưu
tiên đặc biệt. Trong đó, việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ giữa cảng biển,
sân bay Phú Bài và đường cao tốc là điều kiện then chốt. Thành phố cũng cần
quy hoạch quỹ đất đủ lớn để phát triển các trung tâm logistics hiện đại, xây dựng
mô hình logistics 3PL, 4PL và ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành chuỗi
cung ứng.

Về đào tạo nhân lực, hiện mới chỉ có Trường Đại học Kinh tế
Huế đào tạo chuyên ngành Logistics từ năm 2020 với hơn 100 sinh viên, chưa đủ
đáp ứng nhu cầu. Do vậy, cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
và khởi nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời xây dựng các cơ chế ưu đãi thu hút
doanh nghiệp logistics lớn.

Lãnh đạo Công ty CP Cảng Chân Mây kiến nghị quy hoạch vùng hậu cần logistics kết nối cảng biển, sân bay và đường cao tốc; dành quỹ đất ít nhất 300-500 ha cho cảng để phát triển thành thương cảng quy mô lớn.
Đồng thời, cần xúc tiến mở cửa khẩu quốc tế A Đớt để đẩy mạnh luân chuyển hàng hóa với Lào, đơn giản hóa thủ tục thông quan, đẩy mạnh chuyển đổi số và liên kết đào tạo nhân lực với các trường, viện trong nước.
Mục tiêu đến năm 2030
Tầm nhìn đến năm 2030, Cảng Chân Mây phấn đấu trở thành cảng
đầu mối loại I trong chuỗi cung ứng logistics quốc gia, với sản lượng hàng hóa
đạt 10 triệu tấn/năm và khai thác khu neo chuyển tải hàng rời đến 200.000 DWT tại
Vịnh Chân Mây.
Cột mốc đáng chú ý mới đây là việc khởi công Dự án Trung tâm Logistics Chân Mây vào cuối tháng 3/2025, với tổng vốn đầu tư hơn 1.514 tỷ đồng, do Tập đoàn Lec Group làm chủ đầu tư. Trung tâm có quy mô gần 40 ha với hệ thống kho bãi hiện đại, hứa hẹn là hạt nhân thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi logistics tại khu vực miền Trung.

Đại diện Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cho biết thêm Dự kiến khi đi vào hoạt động, Trung tâm logistics Chân Mây sẽ đóng vai trò là đầu mối logistics trọng điểm của miền Trung, không chỉ phục vụ cho Cảng Chân Mây mà còn hỗ trợ kết nối hàng hóa từ và đến khu vực Lào qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.