"Cánh cửa" cho nông sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu

01/01/2021 16:00 GMT+7
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ nông sản lớn, đa dạng và được giá.

Năm 2019, EU nhập khẩu 166 tỷ USD các mặt hàng nông sản thô và chế biến. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường này cho tới thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi rất khiêm tốn.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU chỉ đạt 3,4 tỷ USD. Trong đó, sấp xỉ 70% (2,35 tỷ USD) là nông sản thô (cà phê, chè, điều, lúa gạo,...). Bên cạnh các yếu tố về chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến, khoảng cách địa lý… , các rào cản thuế và phi thuế là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam chưa khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này.

Trong khi nông sản thô được hưởng thuế suất 0% thì các mặt hàng đã qua chế biến lại bị đánh thuế. Nhiều nông sản Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu (gạo, sắn, tỏi, nấm, đường…) không có cơ hội tiếp cận thị trường này do bị quản lý bởi hạn ngạch.

"Cánh cửa" cho nông sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu - Ảnh 1.

Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra những cơ hội cho thương mại song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. EVFTA là hiệp định thương mại đầu tiên EU ký kết với một nước đang phát triển. Với tính chất là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hiệp định hướng tới mức độ tự do hóa thương mại cao hơn rất nhiều so với WTO, vốn là khuôn khổ điều chỉnh thương mại trước đó giữa Việt Nam và EU.

Các rào cản thuế, phi thuế được dỡ bỏ một phần ngay khi hiệp định có hiệu lực và sẽ được loại bỏ hoàn toàn theo lộ trình sau 5-7 năm thực thi. Các thủ tục hải quan, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được thuận lợi hóa để giảm thiểu thời gian và chi phí thủ tục. Những yếu tố tích cực đó khiến EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt là xuất khẩu nông sản. Bởi về cơ bản thuế nhập khẩu của EU với các sản phẩm công nghiệp khác đã được loại bỏ hoặc ở mức rất thấp. Cơ hội tận dụng các lợi ích của EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này đến không chỉ từ việc dỡ thuế và hạn ngạch mà còn từ các cơ chế thuận lợi hóa thương mại.

Ngoài việc dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu với hầu hết các mặt hàng trong vòng 5-7 năm, EU dành hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch 0% cho những mặt hàng còn lại mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như gạo, đường thô, ngô ngọt, tỏi, nấm…. Các cơ chế thuận lợi hóa thương mại có tác động trực tiếp tới xuất khẩu nông sản bao gồm thống nhất các quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn giản hóa thủ tục cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ,…

Hai nhóm hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU sau khi hiệp định được thực thi bao gồm:

(i) Các mặt hàng được hưởng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch 0%.

"Cánh cửa" cho nông sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu - Ảnh 3.

(ii) Các sản phẩm nông sản chế biến sẽ được hưởng thuế suất 0%.

"Cánh cửa" cho nông sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu - Ảnh 4.

Với việc tăng cường xuất khẩu các nông sản chế biến, chúng ta không chỉ tận dụng các cơ hội của EVFTA mà còn thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, để chuyển hóa các cơ hội thành các con số kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp cần có những giải pháp tổng thể nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại của nông nghiệp Việt Nam vốn đã được đề cập nhiều: quy mô nhỏ, chất lượng không đồng đều, kỹ thuật canh tác lạc hậu,…

Trước hết, mục tiêu tận dụng cơ hội EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam và chiến lược xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế. Việc phát triển các nông sản đặc thù, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn không chỉ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà về lâu dài còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước khi mức sống ngày càng được nâng cao.

Tiếp cận thị trường các nước phát triển phải đáp ứng đòi hỏi cao về chất lượng, điều kiện giao hàng, và ngược lại, nông sản sẽ được tiêu thụ với giá cao hơn nhiều so với tiêu thụ tại thị trường nội địa và khu vực. Đó cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới tư duy và phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước áp dụng các biện pháp quy hoạch, canh tác, quản lý chất lượng tiên tiến nhằm tạo ra các nông sản đặc thù, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để đạt mục tiêu này cần chú trọng hình thành các vùng trồng tập trung; các giải pháp hỗ trợ nông dân; xây dựng chuỗi liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân; phát triển công nghệ sau thu hoạch. Thực tiễn từ phát triển các vùng thâm canh vải Bắc Giang, cam Cao Phong, xoài Sơn La,… là thành công bước đầu để phát triển cho các địa phương cả nước.

Để tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường EU, bên cạnh các giải pháp mang tính truyền thống về xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin về thị trường, hiệp định; phát triển dịch vụ logistics… cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm nông sản chế biến và các nông sản chúng ta có tiềm năng như mật ong, rau quả nhiệt đới, hoa…Đây là những mặt hàng hiện chưa có kim ngạch hoặc kim ngạch còn rất nhỏ nhưng có cơ hội tận dụng lợi thế khi thuế nhập khẩu vào EU được dỡ bỏ.

Theo Chi Mai - Quang Trường
Cùng chuyên mục