Xuất khẩu nông sản ách tắc vì giá cước vận chuyển "phi mã"

15/12/2020 17:40 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể xuất khẩu hàng hóa đúng tiến độ bởi tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển và cước đang tăng chóng mặt.
Xuất khẩu nông sản ách tắc vì giá cước vận chuyển "phi mã" - Ảnh 1.

Hàng hóa xuất khẩu đang ách tắc vì thiếu phương tiện vận chuyển. Ảnh: Theo VASEP

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là hết năm, các doanh nghiệp xuất khẩu đang "chạy nước rút" để kịp tiến độ giao hàng xuất khẩu. Nhưng hàng hóa của nhiều doanh nghiệp đang ách tắc vì thiếu "công" (container) vận chuyển.

Tận dụng lợi thế do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) mang lại, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo phẩm cấp cao vào thị trường Châu Âu (EU) phục vụ dịp Noel, năm mới.

Thế nhưng, từ 2 tháng nay, Công ty Trung An cũng lâm vào tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp khác: Các lô hàng bị ách tắc lại do thiếu phương tiện vận chuyển.

"Những tháng cuối năm 2020 các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang châu Âu khá tốt, đơn hàng nhiều. Tuy nhiên hệ thống vận tải đã bị quá tải, không có container và có thì không có tàu; giá vận tải tăng liên tục... hệ thống logistics bị phụ thuộc vào nước ngoài dẫn đến các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng "té nước theo mưa".

Kết quả là doanh nghiệp và hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam đang "lãnh đủ" - ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Trung An bức xúc nói.

Theo chia sẻ của ông Phạm Thái Bình, ông đã phải "cắn răng" từ chối không ít đơn hàng từ một số nước EU vì tình trạng "cháy" tàu vận chuyển.

"Chúng tôi không dám ký hợp đồng mới vì như vậy sẽ lỡ hẹn với đối tác. Hiện nay, nhiều đơn hàng cũ đã đến thời hạn giao hàng nhưng gạo vẫn đang phải nằm ngoài cảng để chờ có tàu. Thậm chí, chúng tôi luôn lâm vào tình trạng trớ trêu, khi có container để đóng hàng thì không có tàu, khi có tàu thì hết container rỗng" – ông Phạm Thái Bình chia sẽ.

Cần mạnh tay chặn tình trạng "té nước theo mưa"

Cũng theo ông Bình, đây là vấn đề "nóng bền vững" từ lâu, ảnh hưởng bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng từ rất lâu rồi không giải quyết được.

"Nếu các "nhà" cảng, biển, logistics Việt Nam nói rằng tình trạng trên là do tình hình chung của thế giới, thì vì sao ngay trong những ngày này ở Thái Lan không sốt giá cước, không thiếu tàu, thiếu container như các tuyến ở Việt Nam" – ông Bình nêu câu hỏi, đồng thời chia sẻ thêm: Giá cước hiện nay đang "sốt" rất cao. Với tình hình này các doanh nghiệp Việt Nam không dám ký CIF ( CIF người bán có trách nhiệm ký hợp đồng bảo hiểm cho lô hàng xuất khẩu).

Nhiều doanh nghiệp cho biết, để thuê được tàu họ phải trả phí gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trước thời điểm tháng 10.2020.

Hiện mức thuê tàu khoảng 7.200 USD/container (tăng hơn 5.000 USD). Mặc dù giá "trên trời" như vậy, nhưng vẫn rất khó để có thể thuê được tàu đóng hàng.

"Kể cả ký FOB (người bán không phải mua bảo hiểm) thì đối tác nước ngoài không thuê được containe thì hàng cũng nằm đó! Mà khi chưa nhận được hàng thì đối tác chưa chuyển tiền" – ông Bình nhấn mạnh.

Không riêng gì ngành lúa gạo, các ngành thủy sản, rau quả cũng trong tình trạng như vậy. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, các doanh nghiệp phải "giành giật" nhau để có container đóng hàng xuất khẩu giữa lúc các hãng tàu nâng cước vận chuyển liên tục.

Tình trạng này đã khiến Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải biển về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ sớm vào cuộc để giúp họ sớm giải tỏa ách tắc, thông đường cho hàng hóa xuất khẩu.

Theo Vũ Long
Cùng chuyên mục