Cao Bằng: Vừa chống dịch corona, vừa tính chuyện bù thu ngân sách

10/02/2020 06:42 GMT+7
Trong khi đang phải tập trung nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra, tỉnh Cao Bằng cũng đồng thời lo tính phương án để bù thu ngân sách.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra, tỉnh Cao Bằng đã khẩn trương, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch với các kịch bản tình huống ứng phó, đồng thời thực hiện tạm dừng hoạt động lưu thông trên các đường mòn, lối mở, các cửa khẩu phụ.

Cao Bằng: Vừa chống nCoV, vừa lo tính chuyện bù thu ngân sách - Ảnh 1.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng, chống dịch virus Corona, thống nhất tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh. Ảnh Báo Cao Bằng.

Cao Bằng: Vừa chống nCoV, vừa lo tính chuyện bù thu ngân sách - Ảnh 2.

Cao Bằng: Vừa chống nCoV, vừa lo tính chuyện bù thu ngân sách - Ảnh 3.

Cao Bằng đã thực hiện tạm dừng hoạt động lưu thông trên toàn tuyến biên giới để đảm bảo cho việc kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 3/2 tỉnh Cao Bằng thực hiện tạm dừng hoạt động lưu thông trên toàn tuyến biên giới để đảm bảo cho việc kiểm soát, phòng, chống dịch virus Corona được hiệu quả. Việc tạm dừng hoạt động lưu thông trên toàn tuyến biên giới chưa ấn định thời gian hoạt động trở lại và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đối với việc thu ngân sách của tỉnh này.

Chiều 9/2, trao đổi với Etime, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, hằng năm các cửa khẩu thu về cho tỉnh khoảng 200-250 tỷ đồng tiền phí sử dụng kết cấu hạ tầng, thuế xuất nhập khẩu khoảng gần 300 tỷ đồng. Tính trung bình nguồn thu ngân sách của tỉnh Cao Bằng, các cửa khẩu đóng góp khoảng 500 tỷ đồng.

Cao Bằng: Vừa chống nCoV, vừa lo tính chuyện bù thu ngân sách - Ảnh 4.

Cao Bằng hằng năm thu ngân sách từ hoạt động mậu biên ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Ảnh Báo Cao Bằng

Việc tạm dừng các hoạt động lưu thông trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Cao bằng để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu ngân sách của tỉnh, nhất là khi đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa thể ấn định ngày hoạt động lưu thông trở lại tại các cửa khẩu.

Theo ông Ánh, Cao Bằng là địa bàn trung chuyển, chủ yếu hàng tạm nhập tái xuất, tuy nhiên việc tạm dừng hoạt động lưu thông biên giới chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nên buộc phải tính đến việc khai thác các nguồn khác để bù thu ngân sách. Cái khó của Cao Bằng là các cơ sở sản xuất ổn định không nhiều.

"Năm nay chúng tôi sẽ tính toán đến một vài nhà máy thủy điện, duy trì lại hoạt động các cơ sở công nghiệp để tăng thu ngân sách, tận thu các khoản thu mà trước đây chưa tận thu được hết, tăng thu từ đất, thu từ nợ đọng thuế… Những nguồn này cũng sẽ giải quyết được phần nào", ông Ánh nói.

Cao Bằng: Vừa chống nCoV, vừa lo tính chuyện bù thu ngân sách - Ảnh 5.

Thu ngân sách của tỉnh Cao Bằng gặp nhiều khó khăn bởi các cơ sở sản xuất ổn định không nhiều. Ảnh: Thế Vĩnh.


Cao Bằng: Vừa chống nCoV, vừa lo tính chuyện bù thu ngân sách - Ảnh 6.

Tỉnh Cao Bằng hiện đang vừa phải phòng, chống dịch bệnh vừa lo tính toán lên phương án bù thu ngân sách. Ảnh:Thế Vĩnh.

"Chúng tôi cố gắng đạt hoặc vượt dự toán mà Trung ương giao. Tỉnh Cao Bằng năm nay được giao thu ngân sách nhà nước 1.800 tỷ đồng. Cứ cho là mất khoảng 3 tháng để khoanh vùng dịch bệnh, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng thu ngân sách khoảng ¼ thời gian. Tuy nhiên chúng tôi dự đoán, có thể kết thúc dịch bệnh, lượng hàng bên Trung Quốc khan hiếm, hàng qua cửa khẩu sẽ tăng đột biến, và có thể bù đắp lại", Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết thêm.

Được biết, để phục vụ cho công tác phòng chống dịch virus Corona, tỉnh Cao Bằng ngoài việc huy động nhân lực, vật lực, các trang thiết bị y tế có sẵn, đã phải bổ sung hơn 10 tỷ đồng cho việc mua sắm thiết bị y tế như máy đo thân nhiệt từ xa, trang bị một số thiết bị y tế cho các tuyến, từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh.

Cao Bằng: Vừa chống nCoV, vừa lo tính chuyện bù thu ngân sách - Ảnh 7.

Một phòng cách ly tại Trung đoàn 852, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Báo Cao Bằng.

Chưa kể chi phí phía bộ đội bỏ ra cho những người phải cách ly hiện chưa tính được, những người cách ly đang sinh hoạt theo tiêu chuẩn bộ đội, tính đến ngày 9/2, tỉnh Cao Bằng đã có 312 người trở về từ Trung Quốc và đang được cách ly tại Trung đoàn 852, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng.

"Những người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, cơ quan tham mưu đang tính để ra chính sách cụ thể mỗi người, mỗi ngày làm nhiệm vụ sẽ được hỗ trợ bao nhiêu, khi đó mới tính được tổng chi phí mà tỉnh Cao Bằng đã và sẽ bỏ ra cho công tác phòng, chống dịch virus Corona", ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng thông tin.

Ngay từ đầu năm, tỉnh Cao Bằng đã chịu thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng do trận mưa đá đêm giao thừa. Sau mưa đá là chi phí cho hoạt động phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp. Tỉnh Cao Bằng đang vừa căng mình phòng chống dịch bệnh, vừa phải lo tính chuyện bù thu ngân sách nhà nước, bài toán không hề dễ với mới một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Cao Bằng.

 

Lam Chi
Cùng chuyên mục