Cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó về nguồn vốn vay tín dụng

16/11/2021 17:40 GMT+7
Bộ GTVT cho biết, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sắp đến hết hạn 6 tháng nhưng tình hình thu xếp vốn của các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong báo cáo mới đây của Bộ GTVT về các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện nay chỉ còn 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) gồm Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo.

Từ tháng 5 - 7/2021, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với các nhà đầu tư của 3 dự án trên. Theo quy định của hợp đồng, các nhà đầu tư có thời gian 6 tháng để thu xếp vốn.

Đến thời điểm này, một số dự án sắp đến hết hạn 6 tháng nhưng tình hình thu xếp vốn của các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó về nguồn vốn vay tín dụng - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang triển khai thi công. Ảnh: Thế Anh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các ngân hàng chỉ cam kết cho vay 6.000/9.300 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT rất tích cực làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng để nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng. Các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn cho các dự án PPP hạ tầng giao thông.

Lo ngại lớn nhất của Bộ GTVT là hình thức đầu tư PPP là có cơ sở bởi có tới 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư theo hình thức PPP thì phải chuyển đổi 5 dự án sang đầu tư công do đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Điển hình là dự án cao tốc thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sau khi chuyển từ PPP sang đầu tư công phải đến tháng 7/2021 mới có thể khởi công gói thầu đầu tiên, chậm hơn các dự án đầu tư công khoảng 2 năm.

Cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó về nguồn vốn vay tín dụng - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang được thi công. Ảnh: Thế Anh

Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư, ngân hàng và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để sớm thu xếp vốn tín dụng cho 3 dự án này, cố gắng hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đa số các nhà đầu tư PPP hiện nay là các nhà thầu nên năng lực còn hạn chế, đầu tư vài dự án có thể hết năng lực tài chính dẫn tới khả năng huy động vốn gặp khó khăn.

Hơn nữa, vốn huy động của các nhà đầu tư hiện phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng của các ngân hàng thương mại, chưa khơi thông được vốn tín dụng quốc tế dẫn tới chi phí lãi vay cao.

Trong Luật PPP hiện đã mở ra cơ chế mới cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ, thông qua các kênh khác để đa dạng nguồn vốn huy động. Đầu tư dự án bằng hình thức PPP đắt hơn so với đầu tư công do phải chịu thêm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.

Tuy nhiên, hình thức này cũng có những lợi thế riêng, bởi sẽ phát huy được thế mạnh của tư nhân với tư duy phải làm nhanh, xây phải tốt và tính tổng vòng đời của cả dự án hiệu quả hơn.


Thế Anh
Cùng chuyên mục