"Cây tỷ đô" mắc ca giúp dân đổi đời và tiềm năng vươn tầm thế giới
Sản lượng tăng 25 lần
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nhu cầu mắc ca trên thế giới ngày càng tăng. Dự báo đến thời điểm năm 2025-2030, chênh lệch cung-cầu có thể là 33.600-74.000 tấn nhân/năm.
Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca, có thể tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021-2030 và các năm sau đó.
Từ năm 2002 đến nay, Bộ NN&PTNT đã bước đầu có những đánh giá và ban hành nhiều văn bản liên quan đến cây trồng này. Mắc ca chính thức được công nhận là cây trồng đa mục đích, được trồng cả trên đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp.
Cây mắc ca phát triển ở nhiệt độ khoảng 20 – 22 độ C. Ở Việt Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên là hai vùng rất phù hợp vì nhiệt độ mát mẻ, còn những vùng khác trồng có thể không ra hoa đậu quả.
Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước đã có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.
Sản lượng mắc ca trong 5 năm qua đã tăng gần 25 lần, đạt khoảng 7.000 tấn hạt, xuất khẩu trên 60%.
Nhiều nông dân “đổi đời”
Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1.300ha (1.100 ha trồng xen và 200 ha trồng thuần). Tại huyện Krông Năng của tỉnh này, năng suất trồng xen có mật độ 5 tấn/ha và trồng thuần trên 8 tấn/ha. Cùng với chất lượng hạt tốt và giá thành cao, cây mắc ca đã giúp nhiều gia đình nông dân ở địa phương xoá đói, giảm nghèo.
Ở Lai châu, mắc ca là cây phù hợp với thổ nhưỡng và phù hợp trình độ canh tác. Không những thế, mắc ca còn là cây trồng mang lại độ che phủ rừng lớn. Tỉnh đã có chủ trương phát triển cây trồng này trên tỉnh với hơn 10.200ha đến năm 2025.
Với giá 70 nghìn/kg hạt mắc ca tươi, vụ vừa qua đã giúp nhiều nông dân tại Lai Châu “đổi đời”. Đặc biệt, tại các hộ có diện tích xen canh có sự so sánh rõ ràng nhất về giá trị kinh tế, trong khi các diện tích chè cho khoảng 50 triệu đồng/ha thì mắc ca mang lại giá trị tới hơn 100 triệu đồng/ ha.
Trong khi đó, tại Lâm Đồng, cây mắc ca tuy mới được phát triển nhưng tiềm năng lớn nên đã có 28 cơ sở doanh nghiệp thu mua, chế biến và 3 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Sản phẩm chủ yếu là quả mắc ca sấy nứt và nhân hạt mắc ca sấy khô đóng gói theo quy cách để cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm từ mắc ca hiện có mặt khắp các siêu thị, cửa hàng… trên cả nước. Ngoài ra, sản phẩm còn xuất khẩu sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Australia…
Có thể “đi sau, về trước”
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam tổ chức ở Đăk Lăk mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm.
Sau gần 125 năm, cây cà phê trở thành cây công nghiệp đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Vậy một câu hỏi đặt ra là, đối với cây mắc ca, với tinh thần “đi sau, về trước”, vào Việt Nam khảo nghiệm, phát triển và bước đầu đã thành công thì cần 10 năm hay 20 năm tới đây để có thể trở thành cây đứng đầu thế giới, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà.
Thủ tướng yêu cầu các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác.
Cạnh đó, Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội Mắc ca và các địa phương xây dựng chiến lược phát triển mắc ca tại Việt Nam và Nghị định về phát triển mắc ca trong thời gian tới.