CEO Goldman Sachs nhận định 2020 là năm khởi sắc của kinh tế Mỹ

11/12/2019 13:20 GMT+7
Chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs hôm 10/12 nhận định nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu tăng trưởng tăng tốc sau một năm mờ nhạt do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ Trung.
CEO Goldman Sachs nhận định 2020 là năm khởi sắc của kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

2020 là năm khởi sắc của kinh tế Mỹ?

“Kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang tăng tốc trở lại nhờ những chính sách tiền tệ lỏng lẻo từ ngân hàng Trung Ương và sự phục hồi trong nhu cầu tiêu dùng” - trích lời ông John Waldron, chủ tịch kiêm CEO ngân hàng Goldman Sachs.

“Cá nhân tôi cho rằng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của FED đã tạo nên những tác động to lớn. Điều đó tựa như một liều thuốc kích thích đặc biệt cho người tiêu dùng Mỹ cũng như các doanh nghiệp vậy” - ông Waldron nói thêm.

Suốt mùa hè qua, sau khi đàm phán Mỹ Trung đổ bể hồi tháng 5, lĩnh vực sản xuất của kinh tế Mỹ đã tiếp đà lao đao do mức thuế quan 25% mà Trump đánh lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Những mối quan ngại về tình hình kinh tế ảm đạm đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang trong tháng 8 và tháng 9, trước khi lên đỉnh vào tháng 10 và tháng 11, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thống nhất thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định 2020 sẽ là một năm thành công của thị trường chứng khoán Mỹ, khi mà bất ổn thương mại đã tạm lắng xuống và kinh tế dần trở lại chu kỳ phục hồi.

Những dữ liệu kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây đã cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc, phù hợp với nhận định của CEO Goldman Sachs. Bằng chứng là tăng trưởng việc làm của nền kinh tế Mỹ đã đạt mức 266.000 việc làm trong tháng 11 vừa qua, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1969 đến nay. Thêm vào đó, việc cắt giảm lãi suất 3 lần liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã giúp trấn an tâm lý thị trường, làm dịu đi những mối quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Theo ông John Waldron, phần lớn động lực phục hồi của nền kinh tế Mỹ nằm ở lĩnh vực chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ vốn chiếm tới 70% trong tăng trưởng GDP. Chính tâm lý tiêu dùng ổn định và doanh số bán lẻ tăng cao trước kỳ nghỉ đông đã bù đắp lại mức đầu tư kinh doanh vốn đang suy yếu trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu. 

Trái ngược với triển vọng lạc quan của kinh tế Mỹ, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục lao đao khi tăng trưởng GDP quý III hạ xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ còn kim ngạch xuất khẩu thì lao dốc do nhu cầu trong nước suy yếu. Thêm vào đó, cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi đang đưa lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc tăng phi mã khi giá thịt lợn trong tháng 11/2019 đã tăng gấp 110% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu như Ngân hàng Trung Ương Mỹ liên tiếp cắt giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ, Trung Quốc với gánh nặng nợ công khổng lồ trên vai buộc phải duy trì chính sách tiền tệ đầy thận trọng. Đó cũng là lý do vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Bắc Kinh mới là bên cần thỏa thuận thương mại chứ không phải Washington. 

Trong tiến trình thảo luận hướng tới thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ thêm thuế quan áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nước này. Tuy nhiên, Nhà Trắng khó mà đáp ứng một nhu cầu như vậy, khi mà Trump cần một đòn bẩy mạnh mẽ để tạo áp lực cho Trung Quốc trên bàn đàm phán, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục