Chỉ một động thái của Trung Quốc, giá tiêu Việt Nam sẽ tăng trở lại
Giá hạt tiêu hôm nay tiếp tục đi ngang ở một số địa phương
Giá tiêu hôm nay (7/7) tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (70.500 đồng/kg); Bình Phước (71.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.
Thị trường hạt tiêu trong nước đang trong giai đoạn ổn định với lực mua yếu. Với giá tiêu xuất khẩu, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế vẫn niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam ở mức: 3.650-3.750 USD/tấn loại 500g/l, 3.900-4.000 loại 550g/tấn với tiêu đen; 5.700 USD/tấn với tiêu trắng. Tính chung toàn cầu, từ đầu tháng 7 giá tiêu xuất khẩu các nước giữ ổn định, duy nhất tại Indonesia giảm nhẹ. Thị trường vẫn đang chờ lực cầu xuất khẩu tháng 8/2022 và sức tiêu thị tăng từ thị trường Trung Quốc.
Trước đó, tháng 6/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu giảm mạnh ở hầu hết các nước sản xuất, ổn định ở Malaysia. Cụ thể: Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 28/6/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 30/5/2022.
Tại Brazil, ngày 28/6/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 300 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống còn 3.500 USD/tấn.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 28/6/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm lần lượt 150 USD/tấn và 100 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống còn lần lượt 3.750 USD/tấn và 4.000 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 100 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống còn 5.800 USD/tấn.
Có ý kiến nhận định thị trường hạt tiêu sẽ tăng trở lại vào giữa quý III, khi nhu cầu nhập khẩu cho những kỳ lễ hội cuối năm và dịp Tết ở các quốc gia tăng cao. Ngoài ra, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam còn kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc khi nước này mua thêm khoảng 30.000 - 40.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng còn lại của năm 2022.
Thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.
Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.
Các chuyên gia đánh giá, giá hạt tiêu tương đối ổn định trong những tháng qua bởi lượng hàng dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu. Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi, trong khi nông dân và đại lý nhỏ có xu hướng giữ hàng với dự đoán mức giá cao hơn.
Theo số liệu Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công bố con số chính thức về xuất khẩu trong tháng 6/2022 và 6 tháng đầu năm. Theo đó, tháng 6/2022 Việt Nam xuất khẩu được 24.214 tấn, trong đó tiêu đen đạt 21.129 tấn, tiêu trắng đạt 3.085 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 100,4 triệu USD, tiêu đen đạt 82,7 triệu USD, tiêu trắng đạt 17,7 triệu USD.
So với tháng trước, lượng xuất khẩu tăng 10,4%, kim ngạch tăng 1,7%. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất đạt 5.136 tấn, tuy nhiên nhập khẩu của Mỹ giảm 11,2% so với tháng 5. Nhập khẩu của Trung Quốc đạt 2.999 tấn cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 2.736 tấn so với tháng trước. Olam và Trân Châu là 2 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đạt 2.766 tấn và 2.546 tấn.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 125.553 tấn, tiêu đen đạt 106.705 tấn, tiêu trắng đạt 18.848 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 568,8 triệu USD, tiêu đen đạt 456,4 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 19,1% tương đương 29.621 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 13,5% tương đương 67,6 triệu USD so với cùng kỳ 2021.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu nên hầu hết thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đều giảm lượng nhập khẩu. Trong đó, lượng nhập khẩu của Mỹ đứng đầu đạt 30.109 tấn và giảm 8%, nhập khẩu cũng giảm ở Anh, Nga, Pháp, Pakistan, Ai Cập, Nam Phi… Chỉ một vài thị trường có lượng nhập khẩu tăng như Đức, Hà Lan, Ierland, Ấn Độ, Hàn Quốc.. Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng chủ yếu: Mỹ, Đức, Hà Lan, Thái Lan, United Arab…
Về giá xuất khẩu bình quân, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan: Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước tính đạt mức 4.224 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 5/2022, nhưng tăng 17,9% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.546 USD/tấn, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trở lại
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này đã tăng mạnh trở lại trong tháng 4/2022, với mức tăng 110,1% so với tháng 3/2022 và tăng 51,5% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu vào Trung Quốc giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 14,3 triệu USD. Đà tăng nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đã kéo dài sang cả tháng 5 và 6. Thị trường Trung Quốc, riêng tháng 6 đã nhập 2.999 tấn hạt tiêu của Việt Nam, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.610 tấn đưa tổng lượng nhập khẩu hạt tiêu Việt Nam của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5.609 tấn, tuy nhiên nhập khẩu của Trung Quốc giảm 80,2% so với cùng kỳ.
Tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm 2021, Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia và Việt Nam, nhưng giảm nhập khẩu từ Brazil và Malaysia. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều nguồn cung chính, ngoại trừ Việt Nam và Brazil.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 16,62% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 29,03% trong 4 tháng đầu năm 2022.
Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy: Tháng 4/2022, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Indonesia tăng 105,9% so với tháng 4/2021, đạt xấp xỉ 5,58 triệu USD. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia vào Trung Quốc giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 7,12 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 63,01% trong 4 tháng đầu năm 2021 xuống 49,84% trong 4 tháng đầu năm 2022.
Tháng 4/2022, Trung Quốc tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, tăng 25% so với tháng 4/2021, đạt 1,42 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 4,15 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 16,62% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 29,03% trong 4 tháng đầu năm 2022.
Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hạt tiêu Việt Nam khi 90% lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Do đó, chỉ khi thị trường này tăng mạnh nhập khẩu tiêu các tháng còn lại của năm nay như dự báo nêu trên thì xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khởi sắc.
Những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu còn lên xuống thất thường.
Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu.
Được biết, trong nước hiện đã ghi nhận những tín hiệu đầu tiên cho niên vụ 2023 của Việt Nam là khả quan. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tiêu tốt hơn so với năm ngoái.
Việt Nam được cho là đã xuất khẩu khoảng 125.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng đầu năm nay. Do đó, giá tiêu có thể không giảm nữa do nguồn cung hàng hóa cũng đã cạn kiệt.
Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu kỳ vọng các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ sớm bình thường trở lại để Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế của nhà sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới.
Vụ thu hoạch hạt tiêu của Việt Nam đã kết thúc, trong khi Ấn Độ, Campuchia và Brazil việc thu hái hạt tiêu vẫn đang diễn ra.
Tại Brazil, nhiều bang ở miền Đông Nam nước này đã trải qua những trận mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu phơi khô, dẫn đến lượng tiêu sấy bằng máy tăng.
Còn tại khu vực phía Nam Brazil, việc thu hoạch sẽ chỉ bắt đầu vào giữa năm. Hạt tiêu tại đây đã được trồng mới trong vài năm qua và dự kiến sản lượng sẽ tăng trong những năm tới.
Tại Ấn Độ, thu hoạch hiện đang tiếp tục ở bang Karnataka, chiếm gần 50% sản lượng của nước này. Tuy nhiên, việc thu hái đã hoàn tất ở hầu hết các bang Kerala và Tamil Nadu. Lượng mưa giảm trong giai đoạn hình thành quả mọng đã ảnh hưởng đến năng suất ở một số khu vực.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hạt tiêu toàn cầu trong những tháng qua và bây giờ không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.