Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc"

07/05/2022 12:02 GMT+7
"Giá hạt tiêu toàn cầu sẽ giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ giảm. Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu toàn cầu". Đây là nhận định mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Giá tiêu tiếp tục đi xuống, giao dịch từ 76.500 – 79.500 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay (7/5) tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 76.500 – 79.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (77.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.500 đồng/kg); Bình Phước (78.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.500 đồng/kg.

Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc" - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay (7/5) tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 76.500 – 79.500 đồng/kg.

Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc" - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam

Quý I/2022, giá hạt tiêu đen trong nước biến động khá thất thường, sau khi giá có xu hướng giảm trong tháng 1/2022 thì tăng mạnh trở lại trong tháng 2/2022. Tuy nhiên, đà tăng giá không duy trì lâu do nhu cầu tiêu thụ giảm. Xu hướng giảm giá duy trì trong tháng 4/2022. Ngày 28/4/2022, giá hạt tiêu đen giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với ngày 30/3/2022, xuống mức thấp nhất 76.000 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai; mức cao nhất 79.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ở mức 77.000 đồng/kg; tại tỉnh Đồng Nai ở mức 76.500 đồng/kg.

Quý I/2022, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới cũng biến động không đồng nhất. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2022. 

Tại Brazil, ngày 28/4/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 50 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, lên mức 3.900 USD/tấn. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/4/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng 50 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, lên mức 4.040 USD/tấn và 4.240 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 50 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, lên mức 6.040 USD/tấn.

Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc" - Ảnh 3.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 28/4/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu lần lượt ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn, ổn định so với ngày 30/3/2022. 

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 28/4/2022 giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 37 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, xuống mức 4.105 USD/tấn. 

Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 925 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, xuống còn 5.988 USD/tấn. 

Tại cảng Kochi (Ấn Độ), ngày 27/4/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 98 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, xuống mức 6.803 USD/tấn. 

Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ giảm. Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu toàn cầu.

Giá hạt tiêu khó có thể tăng mạnh nếu thị trường Trung Quốc chưa mua trở lại

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trong quý I/2022 đạt 53,8 nghìn tấn, trị giá 250,8 triệu USD, giảm 12,1% về lượng nhưng tăng 40,3% về trị giá so với quý I/2021, so với quý I/2020 giảm 33,1% về lượng nhưng tăng 42,5% về trị giá.

Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc" - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc" - Ảnh 5.

Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khó khăn trong các tháng còn lại của quý II/2022.

Quý I/2022 so với quý I/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết khu vực thị trường tăng, ngoại trừ châu Đại Dương giảm 44,6%. Trong đó, tốc độ xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực châu Âu tăng mạnh nhất (tăng 92,9%); châu Mỹ (tăng 63,5%); châu Phi (tăng 10,3%) và châu Á (tăng 6,4%). 

Tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực châu Á chiếm 33,99% tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2022, thấp hơn so với 44,33% trong quý I/2021. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang châu Âu tăng từ 20,21% trong quý I/2021 lên 28,08% trong quý I/2022.

Quý I/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu sang Phi-líp-pin đạt cao nhất (tăng 868,9%); tiếp đến là các thị trường: Thái Lan (tăng 251%); Đức (tăng 178,9%); Hàn Quốc (tăng 166,5%); Hà Lan (tăng 110,1%); Ấn Độ (tăng 104,7%); Hoa Kỳ (tăng 66,7%); Anh (tăng 54,2%); Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 43,8%). Tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng từ 24,72% trong quý I/2021 lên 29,58% trong quý I/2022; Ấn Độ tăng từ 4,81% lên 7,07%; Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng từ 6,30% lên 6,51%.

Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc" - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Quý I/2022, trị giá xuất khẩu tất cả các chủng loại hạt tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ giá tăng mạnh. Tốc độ xuất khẩu tăng mạnh nhất là hạt tiêu trắng tăng 131,7%; mức tăng thấp nhất là hạt tiêu đen tăng 26,8%. Tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu trắng tăng từ 9,83% trong quý I/2021 lên 16,42% trong quý I/2022. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu đen giảm từ 14,89% trong quý I/2021 xuống 14,41% trong quý I/2022.

Giá hạt tiêu liên tục xu hướng giảm, xuất khẩu sẽ khó vì "ẩn số Trung Quốc" - Ảnh 7.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khó khăn trong các tháng còn lại của quý II/2022. Thông tin từ Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, nguồn cung hạt tiêu khá dồi dào, nhu cầu nhập khẩu thấp. Hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã mở cửa trở lại, song nhu cầu đi lại của người dân vẫn khá hạn chế. Nguồn hàng được khách hàng sử dụng chủ yếu là hàng đã ký từ 3 - 4 tháng trước. Giá hạt tiêu khó có thể tăng mạnh nếu như thị trường Trung Quốc chưa mua trở lại.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục