Giá ảm đạm, hạt tiêu Việt đứng trước áp lực lớn

24/05/2022 14:30 GMT+7
Giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa phục hồi vào đầu tháng 5/2022 nhờ việc Trung Quốc mở cửa để thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, sự phục hồi không kéo dài do giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao.

Giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục đà giảm 

Những ngày giữa tháng 5/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu tại hầu hết các nước sản xuất đồng loạt giảm so với cuối tháng 4/2022, nhưng ổn định tại Malaysia.

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 18/5/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định so với ngày 28/4/2022, ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn.

Tại Brazil, ngày 18/5/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 50 USD/tấn so với ngày 28/4/2022, xuống còn 3.850 USD/tấn.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 18/5/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 140 USD/tấn so với ngày 28/4/2022, xuống còn lần lượt 3.900 USD/tấn và 4.100 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 140 USD/tấn so với ngày 28/4/2022, xuống còn 5.900 USD/tấn.

Giá ảm đạm, hạt tiêu Việt đứng trước áp lực lớn - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 17/5/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 48 USD/tấn so với ngày 28/4/2022, xuống còn 4.057 USD/tấn. Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 169 USD/ tấn so với ngày 27/4/2022, xuống còn 6.711 USD/tấn. 

Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục đà giảm trong thời gian tới. Nhu cầu tiêu thụ giảm do những tác động tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc.

Giá tiêu hôm nay 24/5: Chững lại trên diện rộng 

Thông tin từ Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam cho biết, giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa phục hồi vào đầu tháng 5/2022 nhờ việc Trung Quốc mở cửa để thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, sự phục hồi không kéo dài do giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao. 

Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng đã ký từ năm ngoái nên khách hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng mới. Điều đó dẫn đến việc các nhà xuất khẩu của Việt Nam không mua hàng tích trữ, dẫn đến việc giá hạt tiêu giảm. Giá hạt tiêu tăng trở lại hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thu mua của thị trường Trung Quốc. 

Giá ảm đạm, hạt tiêu Việt đứng trước áp lực lớn - Ảnh 2.

Giá tiêu hôm nay (24/5) tại thị trường trong nước chững lại ở hầu hết các địa phương.

Giữa tháng 5, ngày 18/5/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 2.500 – 3.000 đồng/kg so với ngày 28/4/2022, xuống còn 73.000–76.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 114.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/ kg so với cuối tháng 4/2022, nhưng vẫn cao hơn so với mức 100.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Giá tiêu hôm nay (24/5) tại thị trường trong nước chững lại ở hầu hết các địa phương, giao dịch từ 72.000 – 75.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 72.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (72.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (73.500 đồng/kg); Bình Phước (74.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.500 đồng/kg.

Doanh nghiệp xuât khẩu tiêu đánh giá, lượng hàng tồn hiện tại ước khoảng 80.000 - 100.000 tấn. Đây là khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu các tháng đầu năm suy giảm. Nguyên nhân xuất khẩu suy giảm do tình hình lạm phát toàn cầu, Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid" và cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Như vậy, nhìn tổng thể thị trường sắp tới khá ảm đạm. Theo các doanh nghiệp, đầu vụ năm nay mua bán kém sôi động trong khi hàng tồn ở Trung Đông vẫn còn. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thì có kế hoạch mua dài hạn. Hàng tồn của các năm trước còn nhiều, sản lượng không thấp hơn năm trước nên giá sẽ không tăng mạnh nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Tiêu Brazil hiện có mặt khắp nơi trên thế giới, Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh nếu Brazil "tấn công" thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, lượng tồn kho vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu khách hàng yếu nên doanh nghiệp xuất khẩu cũng lưỡng lự trong việc thu mua.

Hạt tiêu xuất khẩu cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước

Tháng 4/2022, lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu vẫn tăng so với tháng trước nhưng đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 4/2022 đạt 24,63 nghìn tấn, trị giá 114 triệu USD, tăng 3,8% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 giảm 23,6% về lượng, nhưng tăng 8,4% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 77,81 nghìn tấn, trị giá 362,73 triệu USD, giảm 16,6% về lượng, nhưng tăng 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá ảm đạm, hạt tiêu Việt đứng trước áp lực lớn - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Diễn biến giá: Tháng 4/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.629 USD/ tấn, giảm 1,6% so với tháng 3/2022, nhưng tăng 41,8% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.662 USD/tấn, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá ảm đạm, hạt tiêu Việt đứng trước áp lực lớn - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về thị trường: Tháng 4/2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường chính giảm so với tháng 4/2021, ngoại trừ Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng tới 152,3% về lượng và tăng 219,9% về trị giá; tới Hàn Quốc tăng 64,4% về lượng và tăng 91,7% về trị giá. 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Anh. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 66%; Đức tăng 31,7%; Hà Lan tăng 41,2%; Hàn Quốc tăng 72,9% …

Giá ảm đạm, hạt tiêu Việt đứng trước áp lực lớn - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu kỳ vọng các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ sớm bình thường trở lại để Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế của nhà sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới.

Vụ thu hoạch hạt tiêu của Việt Nam đã kết thúc, trong khi Ấn Độ, Campuchia và Brazil việc thu hái hạt tiêu vẫn đang diễn ra.

Tại Brazil, nhiều bang ở miền Đông Nam nước này đã trải qua những trận mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu phơi khô, dẫn đến lượng tiêu sấy bằng máy tăng.

Còn tại khu vực phía Nam Brazil, việc thu hoạch sẽ chỉ bắt đầu vào giữa năm. Hạt tiêu tại đây đã được trồng mới trong vài năm qua và dự kiến sản lượng sẽ tăng trong những năm tới.

Tại Ấn Độ, thu hoạch hiện đang tiếp tục ở bang Karnataka, chiếm gần 50% sản lượng của nước này. Tuy nhiên, việc thu hái đã hoàn tất ở hầu hết các bang Kerala và Tamil Nadu. Lượng mưa giảm trong giai đoạn hình thành quả mọng đã ảnh hưởng đến năng suất ở một số khu vực.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hạt tiêu toàn cầu trong những tháng qua và bây giờ không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.

Xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu của các quốc gia sản xuất trong năm 2021 ước tính đạt 475.889 tấn, giảm khoảng 4% so với với năm 2020, thay vì giảm 9% so với dự báo trước đó.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục