Giá hạt tiêu vẫn mong manh...

24/04/2022 20:13 GMT+7
Giá hạt tiêu được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp chống dịch của Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, giao thương thuận lợi sẽ thúc đẩy giá tiêu sớm tăng trở lại...

Giá tiêu vẫn đà giảm nhẹ

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu 53.778 tấn hạt tiêu trong quý I/2022, trị giá 250,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 12,1% về lượng tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 40,3%.

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Mỹ, EU, Ấn Độ tăng trưởng khả quan, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga và Ukraine lại giảm mạnh.

Giá hạt tiêu vẫn mong manh... - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá hạt tiêu vẫn mong manh... - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá hạt tiêu vẫn mong manh... - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Trên thị trường quốc tế, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở hầu hết nhà cung cấp lớn trong những tháng đầu năm 2022 như Brazil giảm 20,1%, Indonesia giảm 36,2% và Ấn Độ giảm 14,6%...

Thông thường xuất khẩu hạt tiêu thường sẽ tăng vào quý II sau khi vụ thu hoạch kết thúc, do đó thị trường dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Nhưng giá hạt tiêu được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp chống dịch của Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, giao thương thuận lợi sẽ thúc đẩy giá sớm tăng trở lại.

Ngược lại, nếu tình hình tiếp tục không khả quan, giá hạt tiêu có thể chỉ đi ngang hoặc giảm cho dù nhu cầu từ các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Ấn Độ vẫn tương đối tốt.

Ngoài ra, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia do tác động của cuộc xung đột Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng phần nào đến sức tiêu dùng hàng hóa nói chung và hạt tiêu nói riêng.

Giá hạt tiêu vẫn mong manh... - Ảnh 4.

Giá hạt tiêu hôm nay (24/4) tại thị trường trong nước vẫn giảm nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 76.000 – 78.500 đồng/kg.

Giá hạt tiêu hôm nay (24/4) tại thị trường trong nước vẫn giảm nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 76.000 – 78.500 đồng/kg. Cụ thể, giá hạt tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (77.000 đồng/kg); Bình Phước (77.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.500 đồng/kg.

Trong quý I, giá hạt tiêu tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam Bộ có khá nhiều biến động. Giá tiêu tăng mạnh lên mức 84.000 – 87.000 đồng/kg vào giữa tháng 2 và đặc biệt sôi động sau Tết Nguyên đán do các hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc được nối lại, không còn ách tắc như thời điểm trước Tết. 

Tuy nhiên, sau đó giá đã giảm trở lại do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch mới và Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh khiến cho quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu diễn ra chậm và khó khăn hơn. Được biết phần lớn lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. 

Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine từ cuối tháng 2 cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường hạt tiêu, dù đây không phải là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với những diễn biến này giá tiêu đã giảm 7.000 đồng/kg, xuống còn 77.000 – 80.000 đồng/kg và có chuỗi ngày đi ngang kéo dài trong suốt tháng 3 vừa qua. 

Mặc dù vậy, điểm tích cực là giá tiêu trong giai đoạn thu hoạch cao điểm năm nay vẫn cao hơn khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Không giống như những năm trước, năm nay chi phí sản xuất, từ phân bón, xăng dầu, công thu hái tăng cao nên người trồng tiêu chỉ bán một số lượng nhỏ đủ để trang trải chi phí tạm thời và ưu tiên giữ lại hàng, đợi giá cao hơn mới bán ra.

Khả năng xuất khẩu hạt tiêu tiếp tục gặp khó khăn

Quý I/2022 là giai đoạn khó khăn của ngành hạt tiêu do chịu tác động bởi căng thẳng chỉnh trị giữa Nga và Ukraine, cũng như chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. Nhiều khả năng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, bởi các yếu tố cản trở xuất khẩu như căng thẳng địa chính trị, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Thị trường hạt tiêu thế giới khá trầm lắng trong quý I, sản xuất toàn cầu có xu hướng giảm nhưng lượng dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu tại các nước. Xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết nhà cung cấp lớn như Việt Nam, Brazil, Indonesia và Ấn Độ. Các nước nhập khẩu hạt tiêu như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đều giảm nhập khẩu.

Giá hạt tiêu vẫn mong manh... - Ảnh 5.

Giá hạt tiêu trong thời gian tới được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp chống dịch của Trung Quốc.

Thông thường, nhu cầu hạt tiêu toàn cầu tăng đáng kể vào thời điểm này trong năm, vì đây là thời gian thu hoạch cao điểm ở hầu hết quốc gia. Tuy nhiên, năm nay không có sự đột biến về nhu cầu. Mặc dù vậy, giá dự kiến sẽ không giảm đáng kể ngay cả trong thời kỳ cao điểm thu hoạch tại Việt Nam do nhu cầu tổng thể vẫn tốt và áp lực bán bị hạn chế.

Hiện Ấn Độ đã tạm thời dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với hạt tiêu. Điều này đã thúc đẩy nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia và Brazil vào Ấn Độ tăng lên, khiến giá tiêu nội địa của Ấn Độ giảm xuống. Bên cạnh đó, nếu thời tiết thuận lợi, Việt Nam có thể sẽ có một vụ thu hoạch khá tốt vào năm 2023, sau hai năm sụt giảm. Mức giá hiện tại giúp đảm bảo các khoản đầu tư của nông dân cho sản xuất hạt tiêu.

Xuất khẩu hạt tiêu thường sẽ tăng vào quý II sau khi vụ thu hoạch kết thúc, do đó thị trường dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Triển vọng nhu cầu hạt tiêu nhìn chung tương đối tích cực khi các quốc gia trên thế giới đã ứng phó được phần nào dịch bệnh Covid-19, tiến hành mở cửa trở lại các nhà hàng, quán ăn… khiến cho lượng tiêu thụ gia vị hạt tiêu tăng trở lại. 

Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây liên tục tăng cao, điều này cho thấy hạt tiêu vẫn luôn là loại gia vị không thể thiếu đối với người tiêu dùng tại đây. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang làm chủ thị trường hạt tiêu toàn cầu với thị phần không ngừng gia tăng. 

Mặc dù vậy, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia do tác động của cuộc xung đột Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng phần nào đến sức tiêu dùng hàng hóa nói chung và hạt tiêu nói riêng. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid” cũng là trở lại đối với xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong thời gian tới. 

Để chống dịch, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố. Nhiều nhà máy đã phải cắt giảm sản xuất do các lệnh phong tỏa. Lĩnh vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ đóng cửa vì những hạn chế mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Trung Quốc. 

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, trong đó có hạt tiêu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc dù đã có sự cải thiện so với trước đó nhưng năng lực thông quan hiện còn thấp do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Do đó, giá hạt tiêu trong thời gian tới được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp chống dịch của Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, giao thương thuận lợi sẽ thúc đẩy giá tăng trở lại. Ngược lại, nếu tình hình tiếp tục không khả quan, giá có thể đi ngang hoặc giảm cho dù nhu cầu từ các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Ấn Độ vẫn tương đối tốt.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục