Thế giới giảm mua, giá hạt tiêu quá "đen"

17/04/2022 16:46 GMT+7
Dự báo giá hạt tiêu trong thời gian tới sẽ giảm do nhu cầu tiêu thụ vẫn chậm. Giá xăng dầu tăng cao gây ra tình trạng lạm phát tăng mạnh. Đây là nguyên nhân mà nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu...

Xu hướng đẩy mạnh bán hạt tiêu thay vì tranh thủ trữ

Đầu tháng 4/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu tại các nước sản xuất biến động không đồng nhất so với cuối tháng 3/2022. Tại Brazil, ngày 8/4/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ổn định so với ngày 30/3/2022, giao dịch ở mức 3.850 USD/tấn. 

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 8/4/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định so với ngày 30/3/2022, giao dịch ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 8/4/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm 50 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, xuống còn 3.940 USD/ tấn và 4.140 USD/tấn; Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 50 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, xuống còn 5.940 USD/tấn.

Thế giới giảm mua, giá hạt tiêu quá "đen" - Ảnh 1.

Dự báo giá hạt tiêu trong thời gian tới sẽ giảm do nhu cầu tiêu thụ vẫn chậm.

Thế giới giảm mua, giá hạt tiêu quá "đen" - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 8/4/2022, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm lần lượt 5 USD/tấn và 7 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, xuống mức 4.137 USD/ tấn và 6.906 USD/tấn. Tại Ấn Độ, ngày 7/4/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 212 USD/tấn so với ngày 30/3/2022, lên mức 7.113 USD/tấn. 

Dự báo giá hạt tiêu trong thời gian tới sẽ giảm do nhu cầu tiêu thụ vẫn chậm. Giá xăng dầu tăng cao gây ra tình trạng lạm phát tăng mạnh. Đây là nguyên nhân mà nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu. Do đó cả doanh nghiệp thương mại và chế biến đều có xu hướng đẩy mạnh bán hàng thay vì tranh thủ trữ hàng như mọi năm.

Trong nước, vụ thu hoạch hạt tiêu gần kết thúc. Người trồng hạt tiêu có xu hướng đẩy mạnh bán hàng khiến giá giảm. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zezo Covid”, lượng mua hạt tiêu từ thị trường này tiếp tục ở mức thấp. Những ngày đầu tháng 4, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm, ngày 9/4 giá tiêu giảm 2.000 đồng/kg so với ngày 28/3/2022, phổ biến ở mức 75.500 – 78.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay (17/4) tại thị trường trong nước tăng nhẹ trở lại ở một số địa phương nhưng giá vẫn thấp, giao dịch từ 76.000 – 79.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (76.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.000 đồng/kg); Bình Phước (78.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.000 đồng/kg.

Như vậy, tuần qua, thị trường cho thấy chiều hướng tích cực hơn khi các đại lý tăng mua. Đây là ngày tăng thứ 3 trong tuần của giá tiêu nội địa, nhưng mới là lần tăng đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên.

Trên thị trường thế giới, tuần này Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng 100 USD/tấn, tương ứng với 4.240 USD/tấn tiêu đen loại 550g/l và 6.040 USD/tấn với tiêu trắng.

Cũng theo Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế, thị trường tuần này cho thấy triển vọng giá tiêu khá ổn định với giá tiêu Việt Nam, và tại Sri Lanka ghi nhận giảm. Mặc dù đồng Rupee của Ấn Độ suy yếu so với USD, ghi nhận mức giảm giá 1%, song giá tiêu Ấn Độ vẫn ổn định trong tuần này.

Khả năng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 23,7 nghìn tấn, trị giá 111,68 triệu USD, tăng 63,6% về lượng và tăng 69,3% về trị giá so với tháng 2/2022; giảm 24,4% về lượng, nhưng tăng 20,5% về trị giá so với tháng 3/2021. 

Tính chung quý I/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 53,8 nghìn tấn, trị giá 250,8 triệu USD, giảm 12,1% về lượng, nhưng tăng 39,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Quý I/2022 là giai đoạn khó khăn của ngành hạt tiêu do chịu tác động bởi căng thẳng chỉnh trị giữa Nga và Ukraine, cũng như chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. 

Nhiều khả năng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, bởi các yếu tố cản trở xuất khẩu như căng thẳng địa chính trị, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Thế giới giảm mua, giá hạt tiêu quá "đen" - Ảnh 3.

Nhiều khả năng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, bởi các yếu tố cản trở xuất khẩu như căng thẳng địa chính trị, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc.

Thế giới giảm mua, giá hạt tiêu quá "đen" - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Diễn biến giá: Tháng 3/2022, giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam bình quân đạt mức 4.707 USD/tấn, tăng 3,5% so với tháng 2/2022 và tăng 59,5% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.664 USD/tấn, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Thế giới giảm mua, giá hạt tiêu quá "đen" - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về thị trường: Tháng 3/2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường chính tăng so với tháng 3/2021, ngoại trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh giảm. Đáng chú ý, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang một số thị trường chính tăng mạnh gồm: Philippines, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. 

Quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chính tăng mạnh, gồm: Philippines, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ. Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 43,8% về trị giá.

Thế giới giảm mua, giá hạt tiêu quá "đen" - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục