Thị phần hạt tiêu của Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng mạnh
Hoa Kỳ luôn ưa chuộng hạt tiêu Việt Nam
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ trong tháng 3/2022 đạt 8,8 nghìn tấn, trị giá 43,77 triệu USD, tăng 105,6% về lượng và tăng 108,4% về trị giá so với tháng 2/2022, so với tháng 3/2021 tăng 35,8% về lượng và tăng 99,3% về trị giá. Tính chung quý I/2022, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt 19,87 nghìn tấn, trị giá 97,97 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 57,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hoa Kỳ trong tháng 3/2022 đạt mức 4.973 USD/ tấn, tăng 1,4% so với tháng 2/2022 và tăng 46,8% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt mức 4.929 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hoa Kỳ tăng từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ từ Trung Quốc giảm 15,5%, xuống còn 3.692 USD/tấn.
Hoa Kỳ luôn ưa chuộng hạt tiêu Việt Nam. Cơ cấu nguồn cung quý I/2022 cho thấy, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các nguồn cung lớn gồm: Việt Nam, Trung Quốc, nhưng giảm từ Ấn Độ, Brazil.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam trong quý I/2022 đạt 14,38 nghìn tấn, trị giá 69,53 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 65,44% trong quý I/2021 lên 72,38% trong quý I/2022.
Ngược lại, Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Ấn Độ, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 18,9% về trị giá so với quý I/2021, đạt 1,73 nghìn tấn, trị giá 8,47 triệu USD trong quý I/2022. Thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 9,32% trong quý I/2021 xuống 8,74% trong quý I/2022.
Dự báo "nóng" về thị trường và giá hạt tiêu tới đây
Được biết, xuất khẩu hạt tiêu tháng 4/2022 của ta tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 4/2022 đạt 24,63 nghìn tấn, trị giá 114 triệu USD, tăng 3,8% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 giảm 23,6% về lượng, nhưng tăng 8,4% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 77,81 nghìn tấn, trị giá 362,73 triệu USD, giảm 16,6% về lượng, nhưng tăng 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 4/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.629 USD/ tấn, giảm 1,6% so với tháng 3/2022, nhưng tăng 41,8% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.662 USD/tấn, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 4/2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường chính giảm so với tháng 4/2021, ngoại trừ Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng tới 152,3% về lượng và tăng 219,9% về trị giá; tới Hàn Quốc tăng 64,4% về lượng và tăng 91,7% về trị giá.
4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Anh. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 66%; Đức tăng 31,7%; Hà Lan tăng 41,2%; Hàn Quốc tăng 72,9%…
Giá tiêu hôm nay (27/5) tại thị trường trong nước tiếp tục giảm sâu ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (70.000 đồng/kg); Bình Phước (70.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.
Như vậy, từ đầu tuần tới nay, giá tiêu đã liên tục giảm và chính thức thủng đáy 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, với mức giá giảm sâu như hiện nay, lượng giao dịch thực tế rất ít.
Từ giữa tháng 5 đến nay, giá tiêu tiếp tục giảm sâu. Ngày 18/5, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 2.500 – 3.000 đồng/kg so với ngày 28/4, xuống còn 73.000–76.500 đồng/kg.
Giá hạt tiêu trắng ở mức 114.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 4, nhưng vẫn cao hơn so với mức 100.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, đầu tháng 5, giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, đà phục hồi không kéo dài do giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao. Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng theo hợp đồng đã ký từ năm ngoái nên khách hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng mới.
Điều đó dẫn đến việc các nhà xuất khẩu của Việt Nam không mua hàng tích trữ, dẫn đến việc giá hồ tiêu giảm. Giá hạt tiêu tăng trở lại hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thu mua của thị trường Trung Quốc.
Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hạt tiêu Việt Nam khi 90% lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Ngoài ra, những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine cũng đang tác động đến tiêu thụ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ giảm.
Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu.