Chi tiết cách rút tiền bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip tại ATM
Rút tiền bằng Căn cước công dân gắn chip tại các máy ATM thế nào?
Theo đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, hiện nay, Bộ Công an đã thí điểm cho phép người dân rút tiền mặt bằng Căn cước công dân gắn chip tại các cây ATM của ngân hàng.
Cụ thể, thủ tục này được thực hiện như sau:
Người dân chuẩn bị thẻ Căn cước công dân gắn chip và đến bất kỳ cây ATM của ngân hàng đang thí điểm thực hiện rút tiền mặt bằng Căn cước công dân gắn chip.
Bước 1: Người dân đưa thẻ Căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM bằng cách quay mặt sau (nơi có gắn chip) và để con chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM.
Đồng thời, hướng mặt về phía camera của ATM để tự động nhận diện khuôn mặt.
Bước 2: Hệ thống sẽ tự động kiểm tra và đối chiếu thông tin trên Căn cước công dân gắn chip và thông tin đã được lưu trữ tại hệ thống ngân hàng mà người dân không cần phải nhập mật khẩu.
Bước 3: Thay vì sử dụng mật khẩu là phương thức xác nhận thông tin duy nhất như hiện nay, với việc sử dụng Căn cước công dân gắn chip, cây ATM sẽ quét sinh trắc học của khách hàng và màn hình giao diện sẽ hiển thị các các xác thực như xác thực gương mặt, vân tay... để nhận diện.
Bước 4: Sau khi xác nhận đúng là chủ thẻ, cây ATM sẽ "nhả" tiền, người dân sẽ rút được tiền.
Chỉ mới có một số ngân hàng thí điểm rút tiền từ Căn cước công dân tại ATM
Mặc dù tiện ích là thế nhưng hiện nay, việc rút tiền bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip chỉ mới được thí điểm áp dụng tại một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Viettinbank... trên địa bàn TP. Hà Nội và Quảng Ninh. Thời gian sau này, mới áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác.
Hiện nay, người dân có thể rút tiền từ Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân tại chi nhánh ngân hàng. Theo đó, người dân phải mang bản chính CMND đến quầy giao dịch của các ngân hàng để làm thủ tục rút tiền nếu tiền được chuyển vào CMND/Căn cước công dân hoặc khi mất thẻ ATM.
Tại đây, người dân sẽ phải điền thông tin cá nhân vào giấy rút tiền ngay tại quầy và các ngân viên ngân hàng sẽ thực hiện việc rút tiền cho khách hàng sau khi xác nhận chữ ký, thông tin cá nhân trên giấy rút tiền cũng như bản chính CMND/Căn cước công dân được cung cấp.
Đã dùng Căn cước công dân gắn chip thay thế các loại giấy tờ nào?
Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg về đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, mục tiêu có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip để sử dụng thay cho thẻ bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, giấy phép hành nghề, thẻ cán bộ công chức viên chức...
Và thực tế hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thiện việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở của Bảo hiểm xã hội, điện lực, Tổng cục Thuế... Và tại Công văn số 931/BYT-BH, nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu Căn cước công dân:
- Nếu người bệnh đã có thông tin hợp lệ về việc tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ kiểm tra, đối chiếu và tiếp đón người bệnh.
- Nếu người bệnh không có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tuỳ thân có ảnh.
- Người bệnh chưa được cấp Căn cước công dân gắn chip: Phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tuỳ thân có ảnh.